Khánh Hòa: Tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ

Hiện nay, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt khiến đời sống của không ít ngư dân gặp khó khăn. Để nguồn lợi thủy sản được tái tạo nhanh hơn, hoạt động thả giống cần triển khai thường xuyên.

 Cạn kiệt nguồn lợi

Ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết: “Trước đây, đầm Nha Phu, Thủy Triều và các vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có đa dạng sinh học rất cao, là bãi đẻ của nhiều loài thủy sản. Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ ở các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh suy giảm đến mức báo động. Nguyên nhân của tình trạng này do một bộ phận ngư dân khai thác theo kiểu tận diệt, sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt”.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện nay có hơn 10.000 phương tiện khai thác thủy sản, nhưng chỉ có 1.236 tàu thuyền công suất lớn khai thác xa bờ, còn lại chủ yếu khai thác ven bờ. Ông Trần Thanh Phát (thôn Lệ Cam, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Đầm Nha Phu trước đây có rất nhiều cá, tôm, là nơi đánh bắt gần bờ chủ yếu của ngư dân các xã: Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Hà, Ninh Phú... Mấy năm gần đây, lượng tôm, cua, ghẹ, cá và nhuyễn thể hai mảnh vỏ... khai thác được chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước. Nguyên nhân chủ yếu do các nghề cào sò, đăng đáy kín một góc đầm”.

Để bảo vệ đa dạng sinh học cũng như nguồn lợi thủy sản tại các vùng đầm, vịnh trên địa bàn, UBND tỉnh đã có nhiều quy định nghiêm ngặt về đánh bắt thủy sản ven bờ. Theo đó, tàu có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV không được khai thác thủy sản ven bờ, cấm tất cả các nghề lưới kéo (giã cào, cào sò) khai thác tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động trong đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu. Ngoài ra, nghề lờ dây không được phép khai thác tại các đầm, vịnh kể trên và cả các vùng nước thuộc cửa sông, cửa lạch... Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại nhiều vùng đầm, vịnh như: Nha Phu, Thủy Triều, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh…, nhiều ngư dân vẫn hoạt động nghề cấm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Hơn 70% tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn TP. Cam Ranh có công suất nhỏ, dưới 20CV, chủ yếu khai thác vùng ven bờ. Không ít ngư dân còn vi phạm trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Địa phương chủ yếu tuyên truyền, vận động là chính chứ không có chuyên ngành, giao cho xã, phường thì không có phương tiện, kinh phí để xử lý tình trạng này. Địa phương kiến nghị lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm”.

Thả giống tái tạo nguồn lợi

Liên tục từ năm 1992 đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp và ngư dân tiến hành hàng chục đợt thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hàng chục triệu con giống như: tôm sú, hải sâm, tu hài, cá mú, cá chẽm, cá bớp, cá ngựa... đã được thả xuống các vùng đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh. Riêng ngày truyền thống ngành Thủy sản năm 2017 (1-4), hơn 2 triệu con tôm giống, 18.500 giống cá biển các loại đã được thả xuống đầm Nha Phu. Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bổ sung nguồn lợi cho biển. Năm nay, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản thu hút 20 doanh nghiệp, 6 nghiệp đoàn nghề cá, 200 chủ tàu và gần 200 đoàn viên, thanh niên tham gia”.

Song song với hoạt động thả con giống, ngành nông nghiệp tỉnh còn thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân chung tay bảo vệ nguồn lợi; giám sát các hoạt động khai thác ven bờ… Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Ban quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Khánh Hòa thực hiện nhiều nội dung của dự án. Theo đó, đã thành lập 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven biển; chú trọng chuyển đổi nghề nghiệp cho các ngư dân nghèo ven biển; đề xuất cơ chế, chính sách để giao mặt nước ven bờ cho cộng đồng ngư dân nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý và tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lợi…

Ông Võ Thiên Lăng cho hay: “Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ một cách hiệu quả, bền vững cần triển khai đồng bộ đồng quản lý nghề cá nhỏ ven bờ; điều này đã được đưa vào dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi. Đồng quản lý có 4 hợp phần: tái tạo, bảo vệ nguồn lợi, phát triển cộng đồng, tổ chức cộng đồng và hỗ trợ thể chế; phải triển khai đồng bộ cả 4 hợp phần này thì đồng quản lý nghề cá mới tồn tại”. Theo ông Lăng, để nguồn lợi thủy sản được tái tạo nhanh hơn, hoạt động thả giống cần triển khai thường xuyên, phải được xã hội hóa, thu hút được nhiều người tham gia. Thời gian tới, Hội Nghề cá tỉnh sẽ tham gia tích cực vào việc triển khai đồng quản lý nghề cá nhỏ ven bờ.

Báo Khánh Hòa

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục