Khai thác hải sản xa bờ: Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân

Khai thác hải sản xa bờ, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương năm nay gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, khai thác không hiệu quả. Ngoài việc chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân tham gia bám biển làm ăn, UBND tỉnh đang quyết liệt triển khai những giải pháp nhằm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

Khai thác xa bờ gặp khó khăn

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 60.100 tấn (tăng 1,3% so với cùng kỳ), trong đó khai thác cá ngừ đại dương hơn 3.800 tấn (giảm 11% so với năm 2017, nguyên nhân do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên năng suất chuyến biển đạt thấp).

Ngư dân Lê Văn Ngọt, chủ tàu cá PY96839TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: Năm nay thời tiết bất lợi, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân về bến với sản lượng thấp. Khoảng từ tháng 7/2018 đến nay, biển động thường xuyên, ngư trường khai thác cá ngừ đại dương ngày càng thu hẹp đã khiến nhiều ngư dân gặp khó.

Từ đầu năm đến nay, tàu tôi ra khơi được 6 chuyến biển thì có 3 chuyến lỗ vốn, còn lại là hòa vốn hoặc có lãi nhưng thấp. Còn ngư dân Võ Văn Tiến, chủ tàu cá PY91036TS ở phường Phú Đông thì cho biết: Những chuyến biển đầu vụ khai thác cá ngừ đại dương năm nay đạt sản lượng khá, giá cá cao nên nhiều ngư dân phấn khởi.

Còn những tháng cuối vụ, khai thác cá ngừ rất bấp bênh, sản lượng rất thấp, ra biển thường xuyên gặp thời tiết bất lợi nên hiệu quả chuyến biển rất thấp, thậm chí có chuyến còn lỗ phí tổn. Riêng tàu cá của tôi kiêm nhiều nghề như đánh bắt cá chuồn, câu mực nên ra khơi không gặp cá ngừ đại dương thì đánh bắt hải sản khác nên đa số các chuyến biển không bị lỗ vốn, nhưng lãi rất thấp. Các tàu cá xa bờ hiện nay chỉ làm một nghề duy nhất là câu cá ngừ đại dương thì mùa biển năm nay chắc chắn thua lỗ…

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.170 tàu cá, trong đó khoảng 1.200 tàu cá có công suất trên 90CV đều được giám sát hành trình thông qua thiết bị Movimar và máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 116 tổ, đội sản xuất trên biển với 905 tàu, hơn 7.740 ngư dân tham gia.

Đến nay, Phú Yên đã ban hành 13 quyết định phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 67 với tổng nhu cầu vốn trên 289 tỉ đồng, đã đưa 19 tàu cá đóng mới theo nghị định này vào hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 38 lượt chủ tàu vay vốn lưu động theo Nghị định 67, với số tiền 8,6 tỉ đồng.

Theo ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), đến nay ngư dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng vốn tự có và vay từ các nguồn vốn khác để đóng mới 53 tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần và nâng cấp, sửa chữa khoảng 175 tàu cá công suất từ 400CV trở lên.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, ở Phú Yên đã hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo chính sách khai thác vùng biển xa cho 485 tàu cá với 843 chuyến biển và hỗ trợ 18 máy thông tin trên tàu cá với hơn 59 tỉ đồng. Như vậy, từ năm 2011 đến nay, ở Phú Yên đã hỗ trợ theo chính sách khai thác vùng biển xa với khoảng 724 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho hơn 13.100 chuyến biển với hơn 702 tỉ đồng.

Ngư dân TP Tuy Hòa chuyển cá ngừ đại dương lên bờ

Nâng cao nhận thức của ngư dân

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên đang quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm thay đổi nhận thức cũng như hành vi của ngư dân đối với vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

UBND tỉnh cũng đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi danh sách các tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản ở vùng biển xa. Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành các văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và địa phương không cấp văn bản chấp thuận đóng mới đối với các chủ tàu tái phạm và tước giấy phép khai thác thủy sản.

Ngư dân Võ Văn Tiến ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài nên đa số ngư dân đã thay đổi nhận thức, không khai thác hải sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục triển khai các giải pháp ngăn chặn triệt để việc khai thác IUU nhằm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu…

 Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Chúng ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta còn nhiều, để khai thác có hiệu quả thì cần đầu tư tàu cá công suất lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác. Việc đóng mới, nâng cấp tàu cá công suất lớn, thường xuyên vươn khơi bám biển không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế cho ngư dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đơn vị đã thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) và Phú Lạc (huyện Đông Hòa). Ngoài nhiệm vụ thanh kiểm tra, những văn phòng này còn xác thực và chứng nhận nguồn gốc thủy sản của ngư dân đã khai thác nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Công tác triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo các quy định của Chính phủ được tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện.

Trong năm 2018, tỉnh đã phê duyệt 87 tàu cá đủ điều kiện tham gia hoạt động trên các vùng biển xa, đồng thời loại khỏi danh sách 36 tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Như vậy, đến nay ở Phú Yên có 615 tàu cá nằm trong danh sách đủ điều kiện khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Chính phủ. Phú Yên đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị chuyên đề về thủy sản và triển khai phổ biến Nghị định 17 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Nói về việc triển khai những giải pháp nhằm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu mà Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo.

Cụ thể là không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu cá tái phạm, tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng, những chủ tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sở NN-PTNT cùng các sở, ngành, địa phương liên quan sớm có giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản mang tính tận diệt, kịp thời khơi thông các cửa biển, tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào thuận lợi.

Sở NN-PTNT và các địa phương ven biển tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân bám biển khai thác; đồng thời hướng dẫn, khuyến khích ngư dân đổi mới công nghệ đánh bắt, bảo quản sản phẩm vàcơ cấu lại nghề khai thác thủy sản phù hợp với công nghệ, ngư trường.

(Theo báo Phú Yên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục