IoT sẽ thay đổi cách thức sản xuất truyền thống

Nhờ các cảm biến ghi nhận dữ liệu tự động và cập nhật qua internet, các trang trại nuôi tôm sẽ không cần loay hoay đo độ pH, oxy hòa tan… mỗi ngày. Chỉ cần cầm trên tay một chiếc smartphone, chủ trang trại có thể cập nhật nhanh chóng tình hình ao nuôi dù đang ở bất cứ nơi nào.

Chiều 14/10, vòng chung kết cuộc thi IoT Startup 2017 đã diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 10 dự án tập trung vào giải pháp thiết kế hệ thống quản lý vận hành trên nền tảng công nghệ Internet of Things (Internet kết nối vạn vật-IoT). Trong số các dự án này, có khá nhiều giải pháp hướng tới việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa việc quản lý các hệ thống sản xuất, chiếu sáng, môi trường...

Theo Ban tổ chức, các dự án này sau giai đoạn phát triển ý tưởng, xây dựng sản phẩm… đều phải trải qua thời gian triển khai giải pháp trong thực tế mới đủ điều kiện tham gia vòng chung kết. Tại vòng chung kết, các dự án đã cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, trình diễn kết quả thử nghiệm trong thực tế và thuyết trình về chiến lược kinh doanh sản phẩm, giải pháp.

Các dự án tham gia vòng chung kết IoT Startup 2017 đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp, giao thông, môi trường… Có những giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể của người dân sống trong đô thị như tìm chỗ đậu xe hơi trong các bãi đỗ xe, nhà trồng nấm tự động, hệ thống trồng thủy canh tự động trong container (Farm Factory)…

Như giải pháp trồng các loại rau quả theo hình thức thủy canh và chăm sóc hoàn toàn tự động trong một chiếc container (Farm Factory). Đây là giải pháp phù hợp với môi trường đô thị. Mô hình canh tác dựa trên ứng dụng công nghệ này có thể thay thế cách thức canh tác, trồng rau quả truyền thống hiện tại. Toàn bộ hệ thống canh tác này được điều khiển và giám sát tự động thông qua các thiết bị IoT.

Hoặc như dự án hệ thống bãi đỗ xe thông minh (S.Parking) đã triển khai hệ thống ngay trong bãi đỗ xe của một công ty gia công phần mềm tại Công viên phần mềm Quang Trung để có thể ghi nhận kết quả thực tế.

Nhóm dự án này đã phát triển ứng dụng kết nối với các bãi đỗ xe, ghi nhận số chỗ đậu xe còn trống, giúp người đi xe hơi có thể đến các bãi đỗ này (chỗ trống sẽ được cập nhật liên tục). Các bãi đỗ xe sẽ được kiểm soát chỗ đậu xe với các bộ cảm biến, truyền dữ liệu về trung tâm quản lý qua kết nối Internet (IoT).

Hoặc một dự án chuyên giám sát, quản lý ao nuôi trồng thủy sản bằng các thiết bị IoT cũng đã triển khai mô hình thực tế ở các hộ nuôi thủy sản. Các ao nuôi thủy sản thay vì hàng ngày phải đo các chỉ số môi trường theo hình thức thủ công; thông qua giải pháp này cùng với cảm biến (gắn dưới ao) sẽ tự động đo các chỉ số và gửi dữ liệu tới máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone).

IoT Startup 2017 là cuộc thi thường niên do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức. Mục tiêu của cuộc thi là kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp, xã hội với các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trên nền tảng IoT (Internet of Things) cũng như ươm tạo và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Kết quả các dự án đoạt giải IoT Startup 2017

- Giải nhất trị giá 50 triệu đồng:
Hệ thống mạng giám sát môi trường nông nghiệp ngư nghiệp Aevisor-Farmtech.
-  4 giải khuyến khích trị giá 10 triệu đồng/giải cùng với một bộ sản phẩm Intel® Edison for Arduino 2.0 (bo mạch máy tính):
  + Hệ thống giám sát–quản lý ao nuôi trồng thủy sản.
  + Nhóm Farm Factory.
  + Giải pháp trồng nấm tự động ứng dụng IoT–Agriconnect.
  + Smart Algae–hệ thống giàn nuôi tảo thông minh.
- Hai giải ý tưởng trị giá 5 triệu đồng/giải cùng với một bộ Intel® Edison for Arduino 2.0:
  + Giải pháp xây dựng hệ thống tái năng lượng trên đường cao tốc.
  + Hệ thống mua sắm thông minh cho siêu thị, cửa hàng bán lẻ-Market Box.

(Theo TBKTSG) 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục