Huyện Đông Hải (Bạc Liêu): Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

Năm 2016, Ban chỉ đạo sản xuất huyện Đông Hải (Bạc Liêu) tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất và khuyến khích doanh nghiệp, nông dân liên kết phát triển các mô hình sản xuất nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản. Qua đó góp phần giúp nông dân tăng lợi nhuận, mở ra nhiều hướng đi mới trong sản xuất, khai thác thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản phát triển

Mô hình nuôi tôm sinh thái được đánh giá là mô hình thế mạnh của huyện Đông Hải (chiếm hơn 90% diện tích nuôi trồng thủy sản). Đây là mô hình sản xuất kết hợp mà con tôm là vật nuôi chủ lực. Điển hình như mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp (QCCT-KH) với tổng diện tích nuôi hơn 35.050ha. Năm 2016, diện tích mô hình đã tăng thêm hơn 300ha so với cùng kỳ năm. Mô hình mang tính bền vững, ít đầu tư và đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú kết hợp với thả cua, cá. Ưu điểm của mô hình này là người nuôi tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, không phải tốn tiền đầu tư thức ăn công nghiệp và cả thuốc thú y thủy sản. Sản phẩm chất lượng, dễ tiêu thụ, hạn chế thấp nhất việc thất thu từ con tôm. Bên cạnh nguồn thu chính từ con tôm, người nuôi còn thu lợi từ các đối tượng nuôi khác, nhất là cua. Mô hình cho năng suất từ 1 - 1,1 tấn/ha, cho lợi nhuận bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu hoạch trên 1,2 tấn/ha, lợi nhuận 70 - 80 triệu đồng/ha.

Cùng với mô hình nuôi tôm QCCT-KH, nhiều mô hình khác cũng đang phát triển khá mạnh và được nâng cấp bằng việc đầu tư khoa học - kỹ thuật vào quy trình nuôi. Đơn cử như mô hình nuôi tôm QCCT-KH ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh. Mô hình này đã phát huy hiệu quả và giúp nông dân giảm khá nhiều chi phí, tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích với thu hoạch bình quân từ 550 - 650kg/ha/năm (tôm, cua), lợi nhuận khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,5 lần so với mô hình nuôi tôm QCCT-KH truyền thống. Cá biệt, có hộ lợi nhuận trên 90 triệu đồng/ha như hộ ông Dương Minh Đoàn, Hồ Hoàng Thống, Dương Văn Sở, Hồ Văn Dũng, Lương Văn Dũng ở xã Định Thành.

Khai thác thủy sản được nâng chất

Cùng với phát triển nuôi trồng thủy sản, việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản cũng được đầu tư, nâng chất, góp phần cho hoạt động khai thác chuyên nghiệp hơn, bước đầu hình thành những mô hình liên kết trên biển khá hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất giúp ngư dân thu lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/năm như: mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá, mô hình lưới rê xù, nghề khai thác tôm bố mẹ, câu mực…

Huyện Đông Hải có 184 tàu khai thác thủy sản bằng nghề lưới rê xù, với tổng công suất 11.076CV. Trung bình mỗi chuyến đi biển với thời gian từ 15 - 20 ngày, tổng chi phí khoảng 90 triệu đồng (gồm dầu, nước đá, các nhu yếu phẩm, khấu hao máy móc, chi phí cho ngư phủ). Sau khi trừ các khoản chi phí, trên 70% chủ phương tiện lãi từ 60 - 80 triệu đồng; có phương tiện lãi ít hơn, không có trường hợp lỗ vốn.

Đặc biệt, mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với thu mua nguyên liệu thủy sản trên biển ngày càng phát huy hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân. Với mô hình này, các doanh nghiệp có thể thu mua, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá gần như quanh năm. Mỗi chuyến đi biển từ 5 - 10 ngày cho lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/chuyến. Đặc biệt, nghề này còn tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, vươn ra khơi xa, góp phần cùng lực lượng chuyên trách chung tay bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Thời gian qua, mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá đã phát huy được hiệu quả, sản phẩm khai thác được mua bán, trao đổi trực tiếp ngoài khơi. Qua đó, góp phần giúp ngư dân giảm mạnh chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận đáng kể và tiếp tục duy trì thời gian hoạt động khai thác. Quan trọng hơn, dịch vụ thu mua nguyên liệu thủy hải sản trên biển còn là nguồn cung ứng các nhu yếu phẩm cần thiết, giúp ngư dân an tâm bám biển, hỗ trợ giúp nhau phòng tránh thiên tai và kịp thời xử lý những rủi ro ngoài mong muốn trong quá trình đánh bắt như: cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ y tế trên biển…

Đẩy mạnh đầu tư nuôi trồng, khai thác thủy sản

Để nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo định hướng quy hoạch, năm 2017, Ban chỉ đạo sản xuất huyện Đông Hải sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như: Triển khai thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh - bán thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; tạo sản phẩm sạch, an toàn, góp phần phục vụ việc truy xuất nguồn gốc tôm nuôi. Từng bước xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà kính, nuôi có lưới che với các doanh nghiệp, hoặc trang trại có tiềm lực về kinh tế và kinh nghiệm sản xuất. Tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm QCCT-KH ít thay nước sử dụng chế phẩm vi sinh tạo ra sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP/ASC... nhất là mô hình liên kết “4 nhà” - sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Khuyến khích phát triển 4 loại hình khai thác chủ yếu: dịch vụ hậu cần nghề cá, nghề lưới rê, lưới vây, nghề câu. Đồng thời tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, hạn chế đánh bắt gần bờ, không phát triển nghề lưới kéo, tăng cường đội tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần, nhất là các ngành nghề khuyến khích như tàu lưới rê, câu… Tăng cường đóng mới tàu có công suất lớn trên 400CV; khuyến khích ngư dân khai thác theo đội, tổ hợp tác khai thác trên biển, hỗ trợ nhau về thông tin ngư trường, bám biển dài ngày, phòng chống thiên tai và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Song song đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực và phát huy hiệu quả đầu tư từ các công trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh tập trung ở các xã: Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây. Tiếp tục nâng cấp, đầu tư mới hệ thống lưới điện và giao thông nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh. Ưu tiên đầu tư nạo vét tuyến kênh bị bồi lắng và đẩy mạnh công tác thủy lợi - thủy nông nội đồng cho từng tiểu vùng sản xuất, hạn chế việc thiếu nước trong sản xuất…

Báo Bạc Liêu

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục