Huyện Đông Hải (Bạc Liêu): Đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy hải sản

Nhờ tập trung làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nên hoạt động nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy hải sản từ đầu năm đến nay của huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) tiếp tục tăng trưởng khá. Để tiếp tục phát huy thế mạnh kinh tế này và từng bước đưa địa phương phát triển nhanh về kinh tế biển, huyện Đông Hải đã và đang đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất; tăng cường đầu tư nâng cấp và phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ.

Tính đến tháng 10/2017, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện thực hiện hơn 109.750 tấn, đạt 88,3% kế hoạch và tăng 106,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản tiếp tục phát triển với tổng phương tiện khai thác đánh bắt đến nay gần 600 phương tiện, cho tổng sản lượng đạt hơn 57.680 tấn. Ngoài việc ngư dân đầu tư nâng cấp, cải hoán phương tiện đánh bắt xa bờ, còn nhờ vào sự hỗ trợ từ thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng/phương tiện.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng tiếp tục phát triển. Ngoài con tôm, nông dân trong huyện còn phát triển thêm các đối tượng nuôi khác như cua, cá, sò huyết… Đặc biệt, Đông Hải đang kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân trong việc ứng dụng quy trình nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được bao tiêu sản phẩm với giá cao. Hiện nay, huyện đã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tôm nguyên liệu theo chuỗi giá trị gia tăng trên 1.087ha và thu hút 400 hộ nông dân tham gia. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Thiên Phú (TX. Giá Rai) đã thu mua của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Tiền Phong và Đồng Tiến (xã Định Thành) trên 20 tấn tôm thương phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 15.000 - 30.000 đồng/kg…

Mô hình nuôi tôm sạch xuất khẩu ở xã Định Thành (huyện Đông Hải). Ảnh: K.T

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thủy hải sản cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là thời tiết diễn biến phức tạp, những cơn mưa lớn kéo dài, môi trường ao nuôi biến động. Một số diện tích tôm nuôi bị bệnh, nhất là đối với tôm nuôi thâm canh - bán thâm canh. Một số hộ dân khi cải tạo ao nuôi còn xả thải nước ô nhiễm ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, ngư dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ cho việc nâng cấp tàu, thay đổi máy móc, thiết bị, ngư lưới cụ nên làm chậm quá trình chuyển đổi sang các ngành nghề khai thác hiệu quả hơn…

Để sản xuất năm 2017 thắng lợi và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát diện tích chuyển đổi sản xuất, thường xuyên kiểm tra diện tích tôm nuôi, hướng dẫn bà con chủ động phòng ngừa dịch bệnh, quản lý tốt môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi mô hình quảng canh cải tiến - kết hợp sử dụng vi sinh ở xã Long Điền Tây; thực hiện chuỗi liên kết ở các xã Định Thành, Long Điền, Long Điền Đông. Phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ các chính sách cho ngư dân vay vốn đóng tàu, cải hoán phương tiện theo Nghị định 67, Quyết định 48. Đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nắm chắc diễn biến tình hình an ninh trên biển để kịp thời chỉ đạo và đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển…

(Theo báo Bạc Liêu)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục