Những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền, huyện đảo Cô Tô từng bước đi lên trong mọi mặt và mọi phương diện, đặc biệt là phát triển kinh tế thủy sản theo hướng hài hòa, bền vững.
Cô Tô là huyện đảo nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền, Cô Tô từng bước đi lên trong mọi mặt và mọi phương diện, đặc biệt là phát triển kinh tế thủy sảntheo hướng hài hòa, bền vững.
*Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng hiện đại hóa
Huyện đảo Cô Tô được thành lập năm 1994. Với vị trí địa lý đặc biệt, xung quanh là biển và nằm gần các ngư trường lớn, Cô Tô có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thuỷ sản. Năm 2015 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 167 tấn, bằng 111,33% kế hoạch năm, năm 2016 sản lượng đạt 250 tấn, đạt 166% kế hoạch năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đào Văn Vũ cho biết, diện tích bãi triều của huyện đảo Cô Tô năm 2018 được đưa vào quy hoạch chi tiết là 285 ha. Ngoài các phương pháp nuôi trồng thủy sản truyền thống, Cô Tô hiện có hơn 400 phương tiện là tàu thuyền khai thác ngoài khơi và ven bờ.
Nói về thương hiệu mực ống của đảo Cô Tô, Chủ tịch Hội nghề cá đảo Cô Tô Bùi Văn Điển chia sẻ, việc khai thác bằng các hình thức truyền thống như kéo, vây, rê... kém hiệu quả, chưa kể là giảm thiểu sự huỷ hoại tài nguyên, môi trường biển.
Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã triển khai mô hình khai thác mực bằng lồng bẫy với quy mô 100 lồng/hộ tham gia. Mô hình khai thác này có nhiều ưu điểm như dễ làm, thân thiện với môi trường, có tính chọn lọc cao, đầu tư ban đầu không quá lớn, hiệu quả tốt và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Đến năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cùng UBND huyện Cô Tô chính thức triển khai Dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mực ống Cô Tô” cho sản phẩm mực ống của huyện với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tính đến năm 2018, với sự hỗ trợ của dự án, nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng được khu chế biến, phòng đóng gói, kho lạnh, hệ thống lò sấy, giàn phơi đảm bảo đúng quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích hàng trăm mét vuông.
Phơi mực trên giàn phơi tại cơ sở chế biến mực ống Cô Tô của gia đình chị Phạm Thị Măng. Ảnh: TTXVN phát
Chị Phạm Thị Măng (trú tại khu 4, thị trấn Cô Tô) cho biết, hộ gia đình chị được lựa chọn làm đối tác trụ cột để triển khai dự án, hiện nay quy mô sản xuất thủy hải sản của nhà chị đã lên đến 1.500 m2.
Chị Măng phấn khởi chia sẻ: “Trước kia, tôi chế biến mực khô, mực một nắng hoàn toàn bằng thủ công nên không chủ động được nguyên liệu cũng như sản phẩm. Dự án triển khai đã giúp các hộ dân nơi đây chuyển sang hướng hiện đại hóa, áp dụng các thiết bị máy móc hiện đại vào quá trình đánh bắt, nuôi trồng, chế biến cho đến bán hàng”.
Hiện Cô Tô có khoảng 5 hộ lớn và hàng chục hộ làm nghề chế biến thuỷ sản khô; trong đó có sản phẩm mực khô và mực một nắng.Khi vào vụ, trung bình mỗi hộ chế biến được khoảng 2 tạ mực khô và 2 tạ mực một nắng/tháng.
Những năm trở lại đây, khi sứa bắt đầu trở thành loại thực phẩm được ưa chuộng thì nghề chế biến sứa đã trở thành nghề thu nhập cao của người dân huyện đảo Cô Tô. Nhờ áp dụng máy móc đến 80% vào công đoạn khai thác và chế biến, chỉ trong thời gian ngắn, huyện Cô Tô đã trở thành “vựa sứa” lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh.
Vào mỗi vụ sứa, huyện đảo nhỏ bé chưa đến 6.000 dân này đón khoảng trên dưới 2.000 lao động đổ về chỉ để phục vụ riêng cho khai thác và chế biến sứa. Toàn huyện hiện có gần 40 xưởng chế biến sứa đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm cho kịp thời vụ, huy động trên 80% cư dân trong độ tuổi lao động tham gia vào các công đoạn khai thác, chế biến sứa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đào Văn Vũ khẳng định, thành công bước đầu trong việc hiện đại hóa lĩnh vực thủy sản không thể không nhắc đến yếu tố quan trọng đó là vận dụng tốt Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, áp dụng hiệu quả chính sách ưu đãi thuế trong việc đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản.
Theo đó, mỗi người dân trên đảo Cô Tô, khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), đối với tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm.
Nhờ đó, căn cứ vào 17 phương án đề xuất ban đầu của ngư dân trên đảo, UBND huyện đã lựa chọn được 7 phương án, tập trung hỗ trợ cho 3 phương án tối ưu nhất; qua đó 2 phương án đã được ngân hàng chấp thuận giải ngân vốn để đóng mới tàu. Đó là tàu vỏ gỗ 600CV, giá trị đầu tư 11 tỷ đồng của ông Phạm Văn Lai; tàu vỏ thép 822CV, giá trị đầu tư 18 tỷ đồng của ông Nguyễn Xuân Chiến (đều trú tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô), đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2016.
Đến thời điểm này, 2 con tàu trên không chỉ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho chủ tàu, việc làm cho một số lao động địa phương, mà còn thúc đẩy ngành khai thác thủy sản xa bờ của huyện, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Theo lãnh đạo huyện Cô Tô, mỗi tàu ra khơi từ 6 đến 8 chuyến, tổng sản lượng thủy sản khai thác trên 15 tấn cá, tổng doanh thu trên 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi tàu lãi gần 900 triệu đồng.
*Gắn với bảo tồn thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững
Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Đào Văn Vũ cho biết, tính đến Quý III/2018, trên địa bàn huyện có khoảng 30 ha bãi triều trước đây giao cho các hộ nuôi nhưng đã hết hạn và thu hồi lại gồm các khu vực: hòn Mã Chấu, hòn Khoai Lang, hòn Núi Nhọn và một phần hòn Ba Đình (đảo Miếu) (thuộc xã Thanh Lân); Hòn Bảy Âm Dương, hòn Ngang (thuộc xã Đồng Tiến).
Mùa sứa tại vùng biển huyện Cô Tô kéo dài khoảng 3 tháng, đem lại thu nhập cho người lao động tại các xưởng chế biến từ 10-20 triệu đồng/người. Ảnh: TTXVN phát
Để giải quyết những khó khăn và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản của Cô Tô trong giai đoạn tới thì việc quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản huyện Cô Tô đến 2020, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết và cấp bách giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tập trung phát triển toàn diện và hiện đại hóa ngành hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng cao, có sản phẩm đa dạng để xuất khẩu và phục vụ du lịch; kết hợp hài hòa giữa khai thác theo quy hoạch với phát triển nuôi biển và dịch vụ nghề cá; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững.
Từ nay đến năm 2020, Cô Tô duy trì tổng sản lượng khai thác hải sản ở mức 8.000 – 10.000 tấn; phấn đấu giá trị gia tăng ngành hải sản đến năm 2020 đạt 160 – 170 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành hải sản đạt 12 – 13%/năm.
Huyện Cô Tô cũng đề xuất với tỉnh Quảng Ninh, các bộ ngành Trung ương ưu tiên bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kinh tế xã hội, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến các khu du lịch, khu chức năng trên các đảo.
Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào Cô Tô đang được ưu đãi các chính sách tốt nhất để xây dựng các khu chế xuất, khu kinh tế mở, khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu; miễn tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.
(Theo BNews)