Huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu): Nuôi cá chình xuất khẩu

Hiện nay, một số hộ dân ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ nuôi cá lóc, cá tra, cá ba sa, ba ba… sang nuôi cá chình xuất khẩu. Đây là hướng đi mới của người nông dân.

Theo giới thiệu của ông Hồ Thúc Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Nuôi cá Suối Giàu tại thôn 1, xã Suối Rao. HTX mới thành lập vào ngày 8-6-2017, gồm 8 hội viên, với vốn điều lệ hơn 9 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ nhiệm HTX cho biết, năm 2016, vợ chồng bà mua 15 ha đất ở thôn 1, xã Suối Rao để xây dựng 23 hồ nuôi cá lóc. Tuy nhiên, nuôi cá lóc không mang lại hiệu quả nên gia đình tìm kiếm mô hình nuôi khác.

Đầu năm 2017, tình cờ trong một lần lên mạng, bà đã làm quen với kỹ sư Phan Văn Hùng, đang sinh sống tại Châu Đức, là Chi hội phó Chi Hội cá chình Việt Nam. “Qua nhiều lần gặp gỡ, khảo sát thấy nuôi cá chình đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi mạnh dạn vận động một số hộ dân trong vùng góp vốn thành lập HTX Nuôi cá Suối Giàu, chủ yếu nuôi cá chình. Tên gọi của HTX được lấy từ tên hồ Suối Giàu gần đó. Các hội viên tín nhiệm bầu anh Phan Văn Hùng làm chủ tịch HĐQT, tôi làm chủ nhiệm HTX. Hiện HTX Nuôi cá Suối Giàu có 14 nhân công, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, có chỗ ở đầy đủ tiện nghi”, bà Hương nói.

Theo kỹ sư Phan Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi cá Suối Giàu, Châu Đức có nhiều sông suối, khí hậu phù hợp với việc phát triển nuôi cá chình. Sau 2 năm nuôi, cá chình sẽ đạt trên 2 kg/con, giá bán dao động từ 380 ngàn đồng đến 480 ngàn đồng/kg. Nếu thả nuôi 200.000 con giống như quy mô của HTX thì sau khi trừ đi chi phí, người nuôi thu lợi ít nhất trên 200 ngàn đồng/kg.

Ngoài thị trường trong nước, cá chình còn được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và các nước châu Âu. Hầu hết khách hàng nước ngoài đến khảo sát đều đánh giá môi trường nuôi cá chình của HTX Nuôi cá Suối Giàu bảo đảm, không có dư lượng thuốc kháng sinh. “Nếu hộ dân nào trong và ngoài tỉnh có nhu cầu nuôi cá chình, HTX Nuôi cá Suối Giàu sẽ cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm” - ông Phan Văn Hùng khẳng định.

Ông Hùng còn cho biết thêm, ở Việt Nam, cá chình sinh sống từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là đầm Châu Trúc (tỉnh Bình Định) và sông Ba (Đà Rằng - tỉnh Phú Yên). Hai nơi này hàng năm cung cấp hầu hết cá chình giống cho bà con nông dân tại các vùng nuôi lớn. Người ương giống có thể làm thay đổi tập tính của cá chình như: giảm sợ ánh sáng, cho ăn ban ngày, ăn nổi. Cá chình dễ nuôi do tạp ăn, nuôi được ở vùng nước ngọt, nước lợ có độ mặn dưới 15%, ít bị bệnh, dễ kiểm soát và điều trị được. Nuôi cá chình cho lợi nhuận khá và thị trường rộng lớn, do nhu cầu cao cả trong nước và nước ngoài.

(Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục