Bắt đầu từ những năm 2000, nghề nuôi tôm trên cát đã diễn ra ở các tỉnh ven biển miền Trung giúp nhiều bà con thoát nghèo. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đây sẽ là hướng đi mới trong tương lai cho cả một vùng kinh tế biển đầy tiềm năng.
Hiệu quả, năng suất cao nhất cả nước
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, khu vực ven biển miền Trung gồm 14 tỉnh thành phố, trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với tổng diện tích đất cát khoảng 100.000ha. Mặc dù từ những năm 2000, phong trào nuôi tôm trên cát bắt đầu đến với bà con và góp phần xóa đói giảm nghèo. Thời kỳ đầu, phong trào nuôi tôm trên cát phát triển chậm do gặp nhiều vướng mắc như: Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng lớn; giá thành sản xuất cao và tác động tiêu cực như phá rừng, khai thác cạn kiệt nước ngầm...
“Kể từ khi áp dụng công nghệ mới như nuôi tôm thâm canh ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, tái sử dụng nước, áp dụng công nghệ biofloc... diện tích nuôi tôm trên cát đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, giai đoạn 2010-2016, diện tích nuôi tôm trên cát tăng trung bình khoảng 7,5%, từ 2.381ha lên 3.734ha; sản lượng tăng trung bình 5%, từ 30.844 tấn lên 41.705 tấn” - đánh giá của Tổng cục Thủy sản cho hay.
Vẫn theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, hiện tại nhiều mô hình nuôi tôm trên cát ở miền Trung đạt hiệu quả cao như Hà Tĩnh, Bình Thuận, Quảng Ngãi.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho thấy, sau sự cố môi trường biển, hiện nay môi trường biển tại miền Trung đã phục hồi. Nguồn nước biển sạch đã giúp cho hoạt động nuôi tôm của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung phát triển trở lại.
Điển hình tại Hà Tĩnh có nhiều cơ sở nuôi tôm đem lại tiền tỉ như cơ sở nuôi tôm quy mô, công nghệ cao, hiện đại của Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh ở xã Kỳ Phương, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh). Năm 2014, Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã bỏ ra gần 100 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả 3 khu nuôi với tổng diện tích 36,8ha ở các xã Kỳ Phương, Kỳ Nam.
Mặc dù nằm trong “tâm điểm” và chịu thiệt hại hàng chục tỉ đồng do sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhưng bằng kinh nghiệm, kỹ thuật, các kỹ sư, công nhân Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã không bỏ cuộc, giành thắng lợi vụ tôm ngay trong thời điểm “tâm bão”. Hiện tại, hàng chục ao nuôi tôm thẻ chân trắng đang đến kỳ cho thu hoạch với sản lượng đạt 60-70 tấn/ha/năm, với giá thu mua hiện nay công ty thu về 1-2 tỉ đồng/ha/năm.
Khu nuôi tôm công nghệ cao trên cát, quy mô 15ha của Công ty Thành Đạt tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên cũng chưa vụ nào thất bại. Đặc biệt, vụ tôm năm nay “được mùa, được giá”, năng suất đạt 30 tấn/ha.
Với kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình mới, các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã làm chủ được công nghệ, giảm chi phí đầu tư, khắc phục khó khăn do ô nhiễm nguồn nước để nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, Hà Tĩnh đã mạnh dạn, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quy hoạch diện tích nuôi tôm của địa phương, đặc biệt đã thu hút doanh nghiệp tham gia triển khai nuôi tôm công nghệ cao trên cát.
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy: Năng suất nuôi tôm trên cát tại các tỉnh miền Trung cao hơn năng suất bình quân của cả nước (trung bình khoảng 10-14 tấn/ha).
Cá biệt, có nơi cho năng suất rất cao như ở Quảng Nam (hơn 20 tấn/ha), Quảng Ngãi (khoảng 17 tấn/ha). Những tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn gồm: Bình Thuận (28% tổng diện nuôi tôm trên cát), Ninh Thuận (18%), Phú Yên (16%), Thừa Thiên - Huế (14%). Nuôi tôm trên cát đã và đang góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế xã hội, đem lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận lớn người dân nghèo ven biển.
Quy hoạch tổng thể
Tại hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát diễn ra mới đây tại Hà Tĩnh, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản khẳng định: Nuôi tôm trên cát góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cát vùng ven biển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền Trung.
“Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt có thể phát sinh nhiều hệ lụy như: Hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật; chưa có ao lắng, xử lý nước, bùn thải... dễ gây ô nhiễm môi trường; việc sử dụng thuốc, hóa chất tùy tiện trong sản xuất, chất thải chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường dễ gây tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh... Ngoài ra, việc phát triển không theo quy hoạch có thể làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ ven biển và nguồn nước ngầm ngọt tại các khu vực này” - ông Cẩn nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, việc phát triển nuôi tôm trên cát hiện nay ở các tỉnh duyên hải miền Trung đều mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể. Quy hoạch thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản cũng chưa được quan tâm nên còn xảy ra dịch bệnh.
Ông Mai Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Growbest, việc nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung cần phải căn cứ điều kiện từng vùng cụ thể. Như các tỉnh ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa qua nếu chỉ sử dụng nước mặn để nuôi thì sẽ rất nguy hiểm nhưng nếu lấy nước ngọt bằng hệ thống nước ngầm sẽ dẫn đến nhiễm kim loại nặng. Cho nên phải xây dựng các ao chứa quy mô lớn để điều chỉnh nước bảo đảm mới đưa vào ao nuôi. Đặc biệt, không nuôi quá dày khi cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, mật độ thả nuôi khu vực Hà Tĩnh nên từ 200-300 con/m2.
Trong khi đó, ở tầm quy hoạch cấp tỉnh, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, sau sự cố môi trường biển từ đầu năm 2017 môi trường, biển đã an toàn, hoạt động nuôi tôm trên cát tiếp tục duy trì, phát triển thành công. Hiện Hà Tĩnh đã có 400ha đưa vào nuôi trồng; quy hoạch 1.000ha nuôi tôm trên cát; hình thành 8 vùng nuôi tập trung. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, kiến nghị Chính phủ có quy hoạch vùng, liên vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng trên bờ như: hạ tầng vùng nuôi tôm, khu tránh trú bão, giao thông...
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nuôi tôm trên cát vùng Duyên hải miền Trung bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho phát triển thì còn tiềm ẩn nhiều thách thức như: Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng vào mùa hè, lạnh và mưa phùn của các tỉnh Duyên hải Bắc miền Trung; tần suất lũ lụt, dông bão nhiều gây rủi ro cao cho người nuôi; nguồn nước ngọt, mặn để pha trộn cho nuôi tôm hạn chế; chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cao, người dân nhỏ lẻ khó phát triển… Nhưng, thực tế đã cho chúng ta thấy, nếu làm tốt, đúng quy trình, đầu tư bài bản, nuôi tôm trên cát sẽ cho năng suất, hiệu quả cao.
“Với nhiều tiềm năng sẵn có, khu vực Duyên hải miền Trung có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm trên cát. Nếu khai thác đúng lợi thế, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi, chịu đầu tư thì năng suất tôm đạt 20-40 tấn/ha không phải là vấn đề” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Được biết, hiện Tổng cục Thủy sản cũng đang tiến hành rà soát các vùng nuôi tôm trên cát, xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể cho vùng nuôi tôm trên cát tại các tỉnh miền Trung với mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích nuôi tôm trên cát đạt 4.500ha, sản lượng trên 60.000 tấn; năm 2025 diện tích nuôi 7.000ha, sản lượng trên 110.000 tấn. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh rà soát diện tích đất cát có thể quy hoạch phát triển tôm theo hướng không vi phạm đất rừng ven biển; vùng quy hoạch phải thuận lợi xây dựng thiết chế hạ tầng như điện, nước...; không xung đột quy hoạch sản xuất ngành khác hoặc đối tượng khác trong ngành.
(Theo Petro Times)