Hiệu quả Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh ở huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng: Diện tích giảm, sản lượng vẫn tăng

Năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng giảm 4,7 ha so với năm 2016. Song, nhờ tập trung phát triển các vùng NTTS tập trung theo hướng thâm canh, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, sản lượng NTTS của huyện tăng 7% so với năm trước.

Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Kiến Thụy phối hợp các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản 100 ha ở xã Tân Trào, 100 ha NTTS nước ngọt tại xã Tú Sơn và mở rộng, duy trì diện tích NTTS tại các xã Tân Phong, Hữu Bằng, Tú Sơn, Ngũ Đoan, Kiến Quốc, Ngũ Phúc. Đây là định hướng mới trong phát triển kinh tế thủy sản của huyện Kiến Thụy trên cơ sở phát huy cách làm thí điểm thâm canh NTTS từ những năm trước. Trước đây, các hộ NTTS hầu hết chỉ nuôi 1 vụ/năm. Từ năm 2015 đến nay, rải rác một số hộ nuôi thí điểm theo hướng thâm canh 2 vụ/năm rồi mở rộng dần.

Xã Tân Trào là địa phương có một số hộ NTTS hiệu quả cao. Từ năm 2015, địa phương phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ theo hướng thâm canh với diện tích 9,4 ha, với 3 hộ tham gia, quay vòng 2 vụ/năm, trung bình mỗi vụ cho thu hoạch 3-4 tấn thủy sản/ha, thương lái thu mua ngay tại đầm. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Trào Đoàn Đắc Huy, NTTS theo hướng thâm canh giúp người dân được tiếp cận với kỹ thuật nuôi mới, năng suất cao, ổn định hơn so với nuôi theo hướng quảng canh. Xã đang tập trung xây dựng trạm điện biến thế 3 pha, quy hoạch mương cấp thoát nước, giao thông, giúp bà con mở rộng khai thác hiệu quả NTTS theo hướng thâm canh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Tuy nhiên, diện tích nuôi thâm canh này chủ yếu nằm ngoài đê, xa trung tâm, chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường, trong khi khả năng đầu tư của các hộ cũng như kinh nghiệm chọn con giống, kỹ thuật cải tạo đầm nuôi đến chăm sóc quản lý, phòng trị bệnh còn hạn chế.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Kiến Thụy Nguyễn Hữu Quân, việc triển khai nhân rộng sản xuất như ở xã Tân Trào gặp nhiều vướng mắc, khó khăn vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nguồn con giống chất lượng cao, bảo đảm quy chuẩn về nguồn nước, môi trường với nhiều ràng buộc… khiến các cơ sở, hộ nuôi e ngại đầu tư.Tuy nhiên, phát triển NTTS theo hướng thâm canh vẫn là xu hướng tất yếu, khai thác hiệu quả cao tiềm năng tài nguyên đất đai, mặt nước, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Do vậy, về lâu dài, để phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất NTTS, huyện mong muốn các cấp, ngành có giải pháp cụ thể hỗ trợ các tổ chức, hộ dân nuôi thủy sản tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở rộng quảng bá sản phẩm và thị trường tiêu thụ, triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về NTTS theo hướng thâm canh cho người dân để ngành NTTS huyện Kiến Thụy từng bước phát triển ổn định, bền vững.

Năm nay, tổng diện tích NTTS trên địa bàn huyện Kiến Thụy là 1.537 ha, trong đó, diện tích nuôi cá nước ngọt 596,2 ha. Tổng sản lượng NTTS tính đến đầu tháng 11 ước đạt 13.500 tấn, tăng 3.460 tấn so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo báo Hải Phòng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục