Hiệu quả mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại Bình Thuận

Tại tỉnh Bình Thuận, mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản do chính người dân đề xuất đã thực sự mang lại hiệu quả và đang được nhân rộng.

Vùng biển xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là môi trường sống thích hợp của nhiều loại thủy sản, đặc biệt là sò lông, nghêu. Tuy nhiên, với lối khai thác giã cào, một hình thức khai thác kiểu tận diệt, số lượng các loại thủy sản tại đây đã bị sụt giảm mạnh.

Năm 2015, mô hình Hội cộng đồng ngư dân trực tiếp bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực xã Thuận Quý được thành lập. Hội đã tiến hành thu gom và thả khoảng 120 tấn sò lông giống xuống vùng biển khoanh nuôi, đồng thời thả 10 cội chà nhằm thu hút các loài hải sản đến sinh sống.

Gần 3 năm qua, dù chưa khai thác sò lông theo kế hoạch, khi lặn thăm dò, mật độ sò lông hiện đạt từ 15 - 20 con/m2, kích thước khoảng 30 - 35cm. Không chỉ vậy, những loại hải sản ven bờ khác như: cua, ghẹ, mực cũng đã về sinh sống dày hơn.

Hiệu quả rõ rệt từ mô hình cộng đồng ngư dân cùng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển ở xã Thuận Quý là cơ sở để tỉnh Bình Thuận nhân rộng ra các địa phương có nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác quá mức, trước hết là ở hai xã Tân Thành, Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, nơi có vùng biển giáp ranh với xã Thuận Quý.

(Theo VTV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục