Đông Hải (Bạc Liêu): Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản

Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất cho nông dân. Qua đó mang lại những kết quả đáng phấn khởi.
Đông Hải Bạc Liêu Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản
Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp.

Phát triển mạnh các mô hình nuôi tôm

Một trong những thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế đã và đang được huyện Đông Hải tập trung chỉ đạo là phát triển mạnh các mô hình trong nuôi trồng thủy sản. Như mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh được phát triển và nhân rộng với diện tích gần 450ha, chủ yếu tập trung ở các xã phía Đông của huyện như Long Điền Đông, Long Điền Đông A, Điền Hải, Long Điền và thị trấn Gành Hào.

Mô hình này được thiết kế ao nuôi là ao đất trải bạt, diện tích 700 - 900m2/ao hoặc hồ tròn nổi diện tích 700m2/hộ; mật độ ương từ 2.000 - 5.000 con/m2, sau 20 - 25 ngày chuyển tôm xuống ao nuôi và san thưa ra nhiều giai đoạn; thời gian nuôi 90 - 120 ngày; tỷ lệ thành công cao trên 90%; năng suất từ 20 - 25 tấn/ha, cỡ thu hoạch từ 30 - 40 con/kg và cho lợi nhuận từ 600 - 800 triệu đồng/ha/năm. Điển hình cho thành công của mô hình này là HTX nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải; HTX nuôi tôm công nghệ cao Thành Đạt; hộ ông Ngô Văn Trung, Nguyễn Hùng Anh (xã Long Điền Tây); ông Cao Văn An (xã Điền Hải); ông Tạ Hoàng Nhiệm, Trịnh Văn Mau (xã Long Điền Đông)...

Cùng với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh còn có mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh. Toàn huyện hiện có trên 3.519ha áp dụng mô hình và chủ yếu tập trung ở các xã phía Đông của huyện. Thời gian qua, mô hình chủ yếu phát triển theo quy mô nông hộ. Ao nuôi tôm được xây dựng với diện tích trung bình từ 1.000 - 3.500m2, thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng; mật độ thả 15 - 20 con/m2; tỷ lệ sống 75 - 80%; năng suất thu hoạch từ 3 - 3,5 tấn/ha/vụ, cỡ tôm thu hoạch 25 - 30 con/kg; cho tổng thu 500 - 650 triệu đồng/ha và lợi nhuận mang lại từ 120 - 200 triệu đồng/ha.

Riêng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp (QCCT-KH) phát triển tương đối bền vững với diện tích hơn 35.410ha, chiếm gần 90% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện. Với hình thức nuôi thu tỉa thả bù, nuôi ghép các loại thủy sản tôm, cua, cá, phát triển sản xuất gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi giá trị, năng suất thu hoạch bình quân của mô hình này từ 600 - 750kg/ha/năm (tôm, cua), lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với mô hình nuôi tôm QCCT-KH truyền thống. Cá biệt, có hộ lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha.

Doanh nghiệp và nông dân ngoài tỉnh tham quan mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh của hộ ông Tạ Hoàng Nhiệm ở huyện Đông Hải.

Những kinh nghiệm rút ra

Có thể nói, để nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình nuôi trồng thủy sản trên, thời gian qua Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học; tập huấn kỹ thuật nuôi, xây dựng mô hình, giúp nông dân nắm bắt kịp thời và áp dụng kỹ thuật vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả. Từ thành công và cả hạn chế của các mô hình, ngành Nông nghiệp huyện đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho phát triển lĩnh vực này.

Đối với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh là mô hình nuôi tiên tiến được đầu tư rất bài bản, khâu quản lý rất nghiêm ngặt. Khu nuôi được thiết kế có cả hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải. Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và oxy đáy; ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạt hoàn toàn và được che lưới ở phía trên; hạ thế trạm biến áp để đảm bảo đủ điện phục vụ trong suốt quá trình nuôi. Tôm thẻ chân trắng được nuôi ở mật độ cao, thời gian nuôi ngắn, sản lượng lớn; mô hình nuôi khép kín, người nuôi chủ động ít phụ thuộc các yếu tố bên ngoài nên tỷ lệ thành công cao.

Đối với mô hình nuôi tôm QCCT-KH đã từng bước phát triển và lan tỏa rộng khắp. Mô hình sản xuất mang tính ổn định và bền vững, dịch bệnh ít; chi phí đầu tư vừa phải, kỹ thuật nuôi đơn giản, có thể thả nuôi kết hợp nhiều đối tượng, thu hoạch nhiều sản phẩm với giá bán khá cao, được công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường bên ngoài.

Tuy nhiên, đối với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh cần vốn đầu tư lớn, giá tôm giống và các loại vật tư đầu vào luôn biến động tăng, trong khi giá tôm thẻ thương phẩm không ổn định, có lúc giảm thấp, gây nhiều khó khăn cho người nuôi. Mô hình phát triển nhanh, diện tích tăng nhanh, nhưng việc bảo vệ môi trường của hộ nuôi chưa đảm bảo.

Đối với mô hình nuôi tôm QCCT-KH có diện tích vùng nuôi lớn nhưng bờ bao giữ nước không tốt, cải tạo vuông nuôi chưa triệt để. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi bất thường ảnh hưởng môi trường ao nuôi; một số hộ dân thả giống trôi nổi kém chất lượng chưa qua kiểm dịch nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh; vẫn còn số ít hộ dân sử dụng chế phẩm vi sinh trong quản lý môi trường ao nuôi, sử dụng chưa đúng theo quy trình hướng dẫn. Đa phần người nuôi chưa mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, hình thức nuôi tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, phối hợp trong quá trình nuôi…

Tất cả những bất cập và khó khăn này sẽ được huyện Đông Hải tập trung giải quyết và tháo gỡ trong năm 2021 để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Đông Hải xác định từ nay đến năm 2025 là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững theo Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XV), phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu. Nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục xây dựng 2 vùng nuôi tôm ở các xã phía Đông và các xã phía Tây; khuyến khích, mời gọi đầu tư phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm sạch đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

(Theo báo Bạc Liêu)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục