Đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản để giảm thiệt hại

Để giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, các địa phương và người nuôi trồng thủy sản cần chủ động giám sát dịch bệnh; xử lý môi trường trước khi thả nuôi; sử dụng nguồn nước đảm bảo; sử dụng con giống, chế phẩm sinh học có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng; thả nuôi với mật độ hợp lý...
Đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản để giảm thiệt hại
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Ngày 24/4, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 các tỉnh phía Nam triển khai kế hoạch Quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng hiện nay dư địa cho phát triển nuôi trồng thủy sản và tiềm năng xuất khẩu thủy sản rất lớn. Tuy nhiên, ngành này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiệt hại tổn thất hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chính vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản luôn giữ vai trò then chốt trong việc hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và thúc đẩy tăng trưởng.

Xác định rõ ảnh hưởng của công tác phòng chống dịch thủy sản trong bối cảnh hiện nay, Quyết định số 434/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/3/2021 phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030” đã tạo một cơ sở quan trọng để cả nước cùng tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y cho biết: Tính đến ngày 15.4, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là hơn 3.733ha, giảm 79,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các loài thủy sản như tôm, cá tra, cá bớp, ếch… còn gặp nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó, các điều kiện bất lợi của thời tiết (giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn,..) tiếp tục diễn biến phức tạp...

Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương và người nuôi trồng thủy sản cần chủ động giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường trước khi thả nuôi, sử dụng nguồn nước đảm bảo, sử dụng con giống, chế phẩm sinh học có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng. Ngoài ra, việc thả nuôi với mật độ hợp lý, tránh thả nuôi dày sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh đối với thủy sản.

Sau khai mạc và trình bày các báo cáo, tham luận, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã cùng với các Sở NN&PTNT địa phương, các cơ quan thú y, thủy sản, các hiệp hội/hội,... thảo luận, thống nhất triển khai các giải pháp trong phòng chống dịch bệnh thủy sản cho năm 2021 và giai đoạn 2021-2030 bảo đảm hiệu quả.

(Theo báo Lao Động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục