Đồng bằng sông Cửu Long: Hội nhập để phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước. Dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng đang tạo ra những thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng…

Tiềm năng chưa được “đánh thức”

ĐBSCL có diện tích trên 40.000km2, dân số gần 18 triệu người, hàng năm đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và gần 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu.

Trong những năm qua, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo ra bước đổi mới toàn diện cho cả vùng, góp phần đáng kể vào thành tựu chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch đúng hướng, quy mô, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có bước phát triển tích cực, đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu cả nước.

Thế nhưng, thực trạng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế. Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc; tiềm năng, lợi thế chưa được đầu tư khai thác đúng tầm; hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế và thiếu đồng bộ; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn thấp. Đặc biệt, công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực còn chậm, chưa có định hướng, kế hoạch cụ thể để chủ động hội nhập quốc tế và phát triển theo hướng chất lượng, bền vững.

Theo các chuyên gia kinh tế, vùng ĐBSCL còn thiếu liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh; thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của vùng. Sức cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ chưa cao, chưa tối ưu hóa chuỗi sản xuất, chưa tạo được giá trị gia tăng.

Theo TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ, ngành Nông nghiệp vốn là thế mạnh của vùng ĐBSCL, nhưng hệ thống canh tác chưa ứng dụng được nhiều khoa học kỹ thuật cao. Cả vùng hiện chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nông nghiệp cung ứng nguyên liệu chưa đồng bộ để tạo nên chất lượng đồng nhất. Do đó, các tiêu chuẩn về kỹ thuật từ các FTA đang là một trở ngại cho việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm lợi thế.

Biến thách thức thành cơ hội

Hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và hàng loạt vấn đề bức xúc khác đã tạo ra nhiều áp lực và thách thức lớn đối với ĐBSCL trong quá trình hội nhập. Điều này đòi hỏi năng lực hội nhập vùng ĐBSCL phải được đánh giá nghiêm túc, toàn diện để có phương án chủ động, tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hàng loạt vấn đề lớn đòi hỏi vùng ĐBSCL phải được giải quyết cấp bách. Đặc biệt, nền nông nghiệp của vùng phải được tái cơ cấu và phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, áp dụng khoa học, công nghệ để tăng năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kinh doanh phải được nâng cao để đủ năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Là một trong những tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, Đồng Tháp đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với một số tỉnh của các nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Nhật Bản... Qua đó, đã thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, góp phần thực hiện thành công bước đầu Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng và sức cạnh canh của sản phẩm, tăng thêm giá trị.

Ông Châu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Đồng Tháp luôn chú trọng tuyên truyền và quán triệt đến lãnh đạo, cán bộ các cấp, giúp các ngành, các địa phương và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về tính đa dạng, phức tạp cùng những thuận lợi, thách thức của quá trình hội nhập. Từ đó thay đổi tư duy quản lý Nhà nước, điều hành kinh tế; chủ động tham gia hội nhập, tận dụng mọi nguồn lực để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo ông Mã Văn Tuệ, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thì việc duy trì tăng trưởng kinh tế là tiền đề, là điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện và điều chỉnh các chính sách theo yêu cầu cho phù hợp; cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt của từng địa phương trong vùng.

Để làm được điều đó, ông Mã Văn Tuệ cho rằng, các sở, ngành của từng địa phương vùng ĐBSCL cần có chính sách tạo môi trường thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Khuyến khích đầu tư vào các ngành có lợi thế so sánh và xem xét khả năng, thực trạng hiện tại của từng tỉnh để có chính sách, cơ chế phù hợp, từ đó khai thác triệt để, hiệu quả tiềm năng, nội lực của toàn vùng.

(Theo báo Thanh tra)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục