Đồng bằng sông Cửu Long: Gam màu sáng cho bức tranh xuất khẩu

Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong quý I năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, mặt hàng thủy sản, lúa gạo đã trở thành “điểm sáng” góp phần tô điểm cho bức tranh xuất khẩu của toàn vùng.

Mặt hàng chủ lực tăng cao

Tại Hậu Giang, 10 giờ sáng ngày 5-1, có 8 container hàng, mỗi container chứa khoảng 20 tấn hàng, hơn 160 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp Sông Hậu) chế biến mở đầu cho thủy sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản.

Đối với mặt hàng lúa gạo, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đe dọa an ninh lương thực nhưng đến nay cả hai mục tiêu lớn Chính phủ đặt ra đối với sản xuất-xuất khẩu gạo đều đạt được. Theo đó, ngày giữa tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã xuất 1.600 tấn gạo sang thị trường Singapore và Malaysia.

Đồng bằng sông Cửu Long Gam màu sáng cho bức tranh xuất khẩu
Chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam.

Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong xuất khẩu. Theo ghi nhận của ngành công thương, quý I-2021, xuất khẩu thủy sản và lúa gạo của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang... đều có sự tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, tại Đồng Tháp, quý I-2021, xuất khẩu thủy sản đạt 198,5 triệu USD, tăng 29,5%; gạo sản lượng đạt 64.000 tấn, tăng 2,3%, kim ngạch đạt 30,5 triệu USD, tăng 23,75% so với cùng kỳ năm 2020. Tại An Giang, mặt hàng gạo, sản lượng đạt gần 130 nghìn tấn, tăng 7,07%, kim ngạch đạt 69,08 triệu USD; thủy sản đông lạnh sản lượng đạt 29,61 nghìn tấn, kim ngạch đạt 71,64 triệu USD tăng 0,73%. Đối với các tỉnh có thế mạnh về tôm như Cà Mau kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý 1-2021 đạt 163 triệu USD, bằng 15% kế hoạch, tăng 6% so cùng kỳ. Còn tại tỉnh Bạc Liêu, tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1 ước đạt 163 triệu USD, bằng 18% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ (trong đó, tôm đông lạnh đạt 160 triệu USD, tăng trên 8% so cùng kỳ).

Tận dụng các cơ hội

Nhận định tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian tới, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký của VASEP cho biết: “Dự báo xuất khẩu thủy sản trong quý II sẽ tiếp đà tăng trưởng 10% và đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Australia, Canada, Anh, Nga sẽ tiếp tục là những điểm sáng mới trong bức tranh xuất khẩu thủy sản quý II và nửa cuối năm vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp những bất ổn hay rào cản thị trường”.

Đối với mặt hàng lúa gạo, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lý giải, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, tiếp tục là cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. “Nỗ lực tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyển mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn với những “đối thủ” lớn trên thị trường như Thái Lan, Campuchia-những quốc gia vốn nổi tiếng là có nhiều loại gạo ngon nhất thế giới. Dự báo xuất khẩu gạo thời gian tới vẫn tốt bởi nhu cầu về lương thực còn tiếp tục tăng khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh.

Gam màu sáng cho bức tranh xuất khẩu
Một công đoạn chế biến gạo xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Nhằm tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu, ngành công thương các tỉnh thành vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác cung cấp thông tin về thị trường. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tuyên truyền về các nội dung liên quan tới các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: EVFTA, CPTPP, RCEP... hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, các sở cũng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, xác định nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của vùng, các địa phương sẽ có những giải pháp để “tăng chất” cho sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể như ở Hậu Giang sẽ quyết liệt hơn trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho biết thêm, sở sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu sử dụng tem truy xuất nguồn gốc của các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để tiếp tục triển khai thực hiện và nhân rộng đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản, từ đó giúp hàng hóa tỉnh nâng sức cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, trong bối cảnh kinh doanh đang có nhiều thay đổi, ngành Công Thương Cà Mau đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết, hỗ trợ cùng phát triển, hình thành chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, trong đó ưu tiên cho thương mại điện tử xuyên biên giới để phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA...

Từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ dự báo xuất khẩu trong năm 2021 sẽ có nhiều thuận lợi do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thủy sản-là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của vùng ĐBSCL khi phát huy lợi thế từ các FTA. "Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả và kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng vùng trồng và đáp ứng an toàn thực phẩm”, ông Bình nhấn mạnh.

(Theo Quân đội Nhân dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục