Hội nghị Tham tán mới chỉ là tiền đề, quan trọng là các bước hỗ trợ về thủ tục hải quan, hành chính và chính sách thiết thực cho doanh nghiệp mạnh và nhiều hơn để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển.
Liên quan đến việc Ủy ban châu Âu cảnh báo thẻ vàng với hải sản của Việt Nam do chưa đủ nỗ lực chống lại nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, điều này có thể dẫn đến những hệ lụy rất lớn; trong đó, có việc xuất khẩu của thủy sản Việt Nam sang thị trường EU bị sụt giảm và tác động xấu đến các thị trường khác.
Bên lề Hội nghị Tham tán 2018 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/2 tại Hà Nội, ông Dương Hoàng Minh, tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, sau khi làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, cơ quan chức năng nước này đã cử một đoàn kiểm tra sang tìm hiểu thực tế tại một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam có thể hy vọng tăng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong năm 2018.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga.Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Theo ông Dương Hoàng Minh, thời gian qua, xuất khẩu sang Liên bang Nga gặp nhiều khó khăn do chính sách nước này cùng với Liên minh Kinh tế Á-Âu hạn chế số lượng nhập khẩu thủy sản và chỉ cho phép 21 doanh nghiệp Việt Nam được phép đưa hàng hóa vào thị trường này.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có trên 500 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU và các thị trường khó tính khác.
Vì vậy, Thương vụ đã phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Cục Thú ý, Cục Quản lý chất lượng hàng nông lâm sản và thủy sản để từng bước đấu tranh, làm việc với các cơ quan đối tác cũng như các cơ quan quản lý nước này nhằm thay đổi quan điểm hạn chế xuất khẩu đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Ông Dương Hoàng Minh chia sẻ thêm, Thương vụ đã nhiều lần trực tiếp làm việc với cơ quan quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật nước này để thuyết phục rằng sản phẩm Việt Nam rất tốt và đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng đó, Thương vụ cũng đã mời cơ quan chức năng Liên bang Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu vào Việt Nam để kiểm tra thực tế với hi vọng từng bước tháo gỡ, tăng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào khu vực này.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 2,2 tỷ USD, tăng trên 35%, cao hơn khá nhiều so với kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng cao như hàng rau quả, hạt điều, dệt may, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng…
Để có được thành công này phải kể đến một phần đóng góp của Thương vụ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm.
Đặc biệt là hội chợ triển lãm lớn về nông sản tại thị trường Liên bang Nga hay xúc tiến thương mại về dệt may, giày dép, thép, rau quả, gạo, hàng hóa nông sản khác.
Ngoài ra, Thương vụ cũng đã trực tiếp hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng như doanh nghiệp của Liên bang Nga trong việc tìm kiếm khách hàng; giới thiệu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) nhằm vận động các doanh nghiệp liên bang Nga tăng cường hợp tác nhiều hơn với các doanh nghiệp Việt Nam, nhập khẩu hàng Việt Nam.
Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu và tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế mà Hiệp định FTA mang lại.
Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ tiếp tục trau dồi thêm, nắm thêm qui định và cam kết trong WTO, các Hiệp định thương mại tự do, từ đó nắm rõ thêm nữa những rào cản thương mại mà nước bạn có thể sử dụng để cản trở làm khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường.
Qua đó, cùng với doanh nghiệp trong nước đấu tranh phía bạn để việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường liên bang Nga ngày càng tốt hơn để năm 2020 đạt kim ngạch thương mại song phương ở mức 10 tỷ USD.
Ông Dương Hoàng Minh cũng lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Liên bang Nga cần đảm bảo chất lượng tốt trong dài hạn có bền vững. Đặc biệt, khi giao dịch nên lưu ý việc thanh toán vì đây là thị trường nhập khẩu theo hình thức trả chậm, tìm kiếm khách hàng là tin cậy thông qua hệ thống thương vụ.
Với vai trò cầu nối, Thương vụ sẽ giới thiệu những khách hàng tiềm năng và giúp doanh nghiệp Việt Nam xác minh đối tác cũng như tạo cơ hội trao đổi trực tiếp với đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực này.
Bà Lê Hoàng Thúy-Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia chia sẻ tại Hội nghị Tham tán 2018. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Cũng tại Hội nghị Tham tán, bà Lê Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho biết, Thương vụ luôn chủ động, tích cực lọc thông tin để theo dõi các động thái, chính sách của Australia, kịp thời thông tin về nước.
Cùng đó, Thương vụ cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm "mở cửa" cho các hàng nông sản Việt Nam. Sau quả vải, thanh long, xoài, nếu quả nhãn và tôm tươi nguyên con của Việt Nam có thể "vào" Australia sẽ góp phần to lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Đáng lưu ý, Thương vụ Australia cũng đã xây dựng websitse và fanpage nhằm kịp thời cung cấp thông tin và trao đổi với doanh nghiệp. Đặc biệt, Thương vụ còn duy trì trung bình 1 ngày/tin, bài (ngày làm việc), cung cấp khoảng 300 tin bài/năm cho Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương và Trang thông tin thị trường nước ngoài; xuất bản sách và làm các thước phim tư liệu giới thiệu sản phẩm thế mạnh của Việt Nam với đối tác.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, năm 2017, xuất khẩu của ngành dệt may đạt 31,2 tỷ USD. Trong đó, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... là những thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng ấn tượng.
Công sức của hoạt động tại thị trường, xúc tiến thương mại đã đạt hiệu quả lớn. Đây không phải là kết quả của riêng năm 2017 mà là nỗ lực liên tục hơn chục năm qua, nhờ sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Nhìn chung, các Thương vụ, Tham tán thương mại đã làm rất tốt vai trò "đại sứ thương mại", hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng nước ngoài.
Bà Lưu Kim Anh, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty nội thất Bắc Âu. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Cùng quan điểm này, bà Lưu Kim Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty nội thất Bắc Âu cho rằng, những năm trước, công ty chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài qua một công ty trung gian nên lợi nhuận rất thấp, chỉ đủ chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, với mong muốn mang tới cho khách hàng một cái giá hợp lý cũng như cải thiện hơn lợi nhuận doanh thu, Công ty Bắc Âu hy vọng các tham tán thương mại tại nước ngoài là cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác tại nước ngoài.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Lưu Kim Anh cho hay, nếu xuất khẩu qua khâu trung gian sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn bởi họ không thông thuộc tâm lý của người bản địa. Do vậy, sẽ mất nhiều thời gian để chờ hồi đáp xem có chấp nhận mẫu mã, giá cả hay không.
Nhưng đằng sau việc chấp nhận mẫu thì công ty trung gian lại không nắm bắt được xu thế, chi phí và giá cả để tư vấn cho doanh nghiệp mà phải lắng nghe từ hai phía sau đó mới cộng trừ chi phí.
Thời gian qua, Công ty Bắc Âu chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Anh, Mỹ và Nhật Bản nên hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ, thông tin chính xác cũng như xúc tiến thương mại từ phía Thương vụ.
Theo bà Lưu Kim Anh, Hội nghị Tham tán mới chỉ là tiền đề, quan trọng hơn sau đó là các bước hỗ trợ về thủ tục hải quan, thủ tục hành chính và đưa ra những chính sách thiết thực mạnh và nhiều hơn để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển.
(Theo BNews)