Doanh nghiệp thủy sản mở rộng thị trường nội địa

Bên cạnh việc phát triển xuất khẩu, nhiều DN thủy sản trong nước cũng đã chú trọng phát triển thị trường nội địa, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.

XK chủ lực, nội địa bỏ ngỏ

Là mặt hàng XK chủ lực, cá tra Việt xuất khẩu tới hơn 140 quốc gia, nhưng về nội địa lại gặp khó. Tại hội thảo "Phát triển thị trường cá tra nội địa" vào cuối tuần qua, TS. Lý Thị Thanh Loan, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận định, gần như trước giờ mặt hàng cá tra bỏ ngỏ thị trường nội địa. Lý do xảy ra tình trạng này là doanh nghiệp chưa quan tâm đến khâu phân phối, phân khúc thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, chuỗi liên kết các khâu chế biến, phân phối, tiêu thụ còn mơ hồ. Đặc trưng ngành thuỷ sản, đầu ra khâu trước là đầu vào khâu sau. Chỉ khi có chuỗi liên kết bền vững thì thị trường cá tra mới phát triển tốt.

Với kinh nghiệm hàng chục năm về mặt hàng cá tra, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, là DN chuyên chế biến sản phẩm cá tra, Vĩnh Hoàn cần có quy hoạch định hướng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, phải khảo sát nhu cầu thị trường để nuôi cho phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất. Việc khảo sát thị trường, thông tin thị trường cả nội địa và XK các DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hiệp hội DN để DN xây dựng kế hoạch, hướng đi phù hợp... Hiện nay, ngoài sản phẩm fillet cá tra, Vĩnh Hoàn đang tập trung hướng sản xuất nhiều sản phẩm từ chế phẩm cá tra vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa XK.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng cho biết: Các doanh nghiệp thuỷ sản về cá tra "đặc biệt quan tâm xuất khẩu, ít ngó ngàng thị trường nội địa" khi hơn 95% dùng cho xuất khẩu. Sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra có hơn 50 mặt hàng, bao gồm hàng xuất khẩu, còn nội địa chỉ có 6-7 mặt hàng.

Bà Ngô Thị Thức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vùng 1- Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định, mặc dù đơn vị rất quan tâm thị trường cá tra trong nước, mỗi năm đều có các chính sách, chương trình hỗ trợ như hội chợ, triển lãm để tạo môi trường kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp, tuy nhiên hiệu quả chưa cao.

Cùng với cá tra, mặt hàng XK chủ lực thứ hai là tôm cũng có mặt tại các siêu thị trong nước chưa nhiều. Minh Phú là tập đoàn thuỷ sản số 1 Việt Nam và hàng đầu trên thế giới, với 3 dòng sản phẩm: Tươi, hấp và sản phẩm giá trị gia tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chủ yếu chú trọng đến thị trường XK. Hiện sản phẩm của Minh Phú có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm...

Gặp khó khi đưa hàng vào siêu thị

Bên cạnh việc phát triển xuất khẩu, nhiều DN thủy sản trong nước cũng đã chú trọng phát triển thị trường nội địa, giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), đây là con số không nhỏ. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị cao hơn tăng trưởng bình quân về sản lượng, điều này cho thấy chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm ngày càng được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang tích cực hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị để thúc đẩy kinh doanh sản phẩm thủy sản tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, năm nay các DN thủy sản đang gặp phải một bất cập ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại các kênh bán lẻ.

Theo VASEP, nhiều DN thuỷ sản của Việt Nam đang gặp phải trở ngại lớn liên quan đến giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MPRL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm. Với cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý, hệ thống siêu thị và các nhà cung cấp về một số quy định nên nhiều mặt hàng thủy sản khó khăn để bước vào kênh phân phối nội địa này.

Theo quy định tại Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/1/2005 của Ủy ban châu Âu, nếu kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức hiệu năng phân tích tối thiểu thì thực phẩm không bị cấm sử dụng làm thực phẩm và vẫn được phép nhập khẩu vào EU.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ ban hành mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng nhưng chưa ban hành quy định về mức MPRL đối với các chỉ tiêu cấm sử dụng nên các siêu thị vẫn không chịu chấp nhận các lô hàng thực phẩm có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm mặc dù dư lượng của các chất này trong sản phẩm rất thấp, nằm dưới ngưỡng MPRL quy định của EU nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Cùng với đó, các DN cũng gặp không ít khó khăn khi các mặt hàng thủy sản đưa vào siêu thị bị một số đơn vị yêu cầu mức chiết khấu quá cao, khiến DN nản lòng.

Theo các chuyên gia, khi càng hội nhập, các DN Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với các DN nước ngoài tại chính thị trường trong nước. Các DN nước ngoài đã nhanh chân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cùng với ưu thế về quy mô, công nghệ, tài chính để đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Chính vì thế, để phát triển thị trường nội địa, các DN cần liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong nước, gia tăng giá trị đối với sản phẩm… 

Theo Hải Quan

XK cá ngừ, mực bạch tuộc và các hải sản khác có chiều hướng tăng trong thời điểm cuối năm. Với đà tăng trưởng hiện nay, VASEP dự kiến XK thủy sản của cả nước năm 2018 sẽ cán đích với khoảng 8,8 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2017.

Tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch XK thủy sản đạt 8 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 mặt hàng XK chủ lực là tôm và cá tra có sự tăng, giảm đối lập. Trong khi mặt hàng cá tra XK duy trì tăng trưởng khả quan thì mặt hàng tôm lại giảm khá sâu. XK tôm đạt gần 3,3 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá tra duy trì tăng trưởng khả quan, đưa kết quả XK 11 tháng lên trên 2 tỷ USD.

(Theo TGTT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục