Doanh nghiệp thủy sản Đà Nẵng đang thiếu nguyên liệu

6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Đà Nẵng chỉ đạt 90 triệu USD. Mặc dù có dấu hiệu tăng trưởng trở lại (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2016), nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt thiếu nguyên liệu đầu vào.

Khan hiếm nguyên liệu sạch

Tháng 6, 7 hàng năm là thời điểm "vàng" thu mua tôm phục vụ chế biến xuất khẩu, nhưng khác với các năm trước, năm nay, bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản miền Trung (Sea Đà Nẵng) phải chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn. Còn ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại & Thủy sản Thuận Phước - than thở: Chúng tôi đang rất đau đầu với vấn đề nguyên liệu đầu vào vì không thể cạnh tranh với thương lái Trung Quốc.

Theo ông Lĩnh, thị trường xuất khẩu chính của Thuận Phước và Sea Đà Nẵng là các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. DN phải chọn lọc nguồn nguyên liệu bảo đảm 100% không tồn dư kháng sinh, nếu không muốn bị trả hàng lại. Trong khi đó, thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt, cào bằng, không kiểm tra tôm có kháng sinh hay không.

"Muốn mua nguyên liệu chọn lọc, buộc phải mua giá cao hơn giá của thương lái Trung Quốc. Thậm chí, có khi còn không mua được bởi một số hộ nuôi tôm tự nhận mình có sử dụng kháng sinh để bán tôm cho thương lái Trung Quốc" - ông Lĩnh chia sẻ.

Tại Công ty CP Đồ hộp Hạ Long, chi nhánh Đà Nẵng lại xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu ngay trong vùng nguyên liệu. Là đơn vị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp xuất khẩu sang Hàn Quốc, nằm ngay tại cảng cá Thọ Quang, nhưng 6 tháng đầu năm 2017, công ty gặp khó khi mua nguyên liệu. Ông Vũ Tú Nam – phụ trách chi nhánh Đà Nẵng của Công ty CP Đồ hộp Hạ Long - cho biết, công ty khó có thể tiếp cận trực tiếp với nguyên liệu bởi đã bị đầu nậu thu mua gần hết. Do đó, công ty phải mua lại từ đầu nậu với giá rất cao. Giá nguyên liệu cao nên dù có nhiều đơn hàng, công ty cũng không dám nhận.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ về kế hoạch cho 6 tháng cuối năm, đại diện Công ty Đồ hộp Hạ Long cho biết, hiện công ty đã liên lạc và nhờ Ban quản lý cảng cá Thọ Quang hỗ trợ gặp gỡ với ngư dân, chủ tàu để tiếp cận nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, công ty cũng tính đến phương án vào tận vùng nguyên liệu Phú Yên, Bình Định để tiếp xúc và thu mua trực tiếp của ngư dân.

Ông Trần Văn Lĩnh mong muốn chính quyền tại các vùng tôm nguyên liệu sẽ giám sát, kiểm tra chặt chẽ quy trình nuôi trồng tôm giống; tuyên truyền, vận động người nuôi tôm giống không vì lợi ích trước mắt mà nuôi tràn lan, bán ào ạt, sử dụng kháng sinh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hà Bắc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - khẳng định: Sở Công Thương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN xuất khẩu tìm hiểu, tiếp cận và mở rộng thị trường; hỗ trợ DN tham gia xúc tiến, giới thiệu sản phẩm thông qua hội chợ xuất khẩu. Sở đã hoàn thành Đề án Chương trình hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Đối với DN, cần chủ động tìm nguồn nguyên liệu, Sở Công Thương sẽ đồng hành cùng DN, khó ở đâu gỡ ở đó.

Sở Công Thương TP. Đà Nẵng luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN xuất khẩu tìm hiểu, tiếp cận và mở rộng thị trường.

(Theo báo Công thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục