Doanh nghiệp tăng chất lượng thủy sản xuất khẩu bằng công nghệ

Việc ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ưng yêu cầu của thị trường khó tính.

Những năm gần đây, ngành Thủy sản Việt Nam đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu với nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tính đến ngày 15/8/2018 đạt 5,09 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Năm 2018, ngành Thủy sản đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị thủy sản đạt từ 5,3% đến 5,8%; tổng sản lượng thủy sản đạt 7 - 7,5 triệu tấn. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, các mặt hàng thủy sản Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường ngoài nước, nhất là những nước đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Anh... Nhiều đơn hàng vẫn bị trả về do không đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã. Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, đơn vị nuôi trồng phải cải tiến chất lượng, đáp ứng nhu cầu của những thị trường khó tính.

Nhiều giải pháp đã được đặt ra để tăng chất lượng sản phẩm, phục vụ thị trường ngoại, trong đó có nhiều biện pháp cải thiện công nghệ nuôi trồng thủy sản. Mới đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty Sanso vừa ký một bản ghi nhớ tại Hà Nội nhằm trao đổi thông tin hướng đến mục tiêu cải thiện công nghệ thủy sản Việt Nam.

Hai bên sẽ khắc phục các vấn đề về công nghệ nuôi trồng thuỷ sản ở các nước Asean sử dụng thiết bị hòa tan khí Sansolver do Công ty Sanso Electric Co., Ltd. phát triển. Sau lễ ký hợp tác, Sanso sẽ cấp một số máy công suất 10 đến 50 lít mỗi phút để đánh giá, thử nghiệm hiệu quả trong mô hình nuôi tôm chân trắng và cá rô phi tại Học viện.

Theo các chuyên gia, vấn đề mà ngành nuôi trồng thuỷ sản ở các nước Asean đang gặp phải là không thể kiểm soát được nồng độ oxy hòa tan trong bể nuôi khiến lượng oxy trong nước sẽ giảm thiểu đáng kể. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ chết, giảm tốc độ tăng trưởng, tăng nguy cơ dịch bệnh và tăng chi phí sản xuất của người nuôi.

"Giải pháp của máy hòa tan Sansolver được phát triển bởi Sanso Electric Co., Ltd có thể giải quyết được vấn đề này. Sản phẩm sẽ làm tăng nồng độ oxy hòa tan trong nước lên đến khoảng 40 PPM ở nhiệt độ phòng. Trong nước máy thông thường, nồng độ oxy hòa tan là 7-8 PPM", đại diện doanh nghiệp cho biết. 

Bảng so sánh hiệu quả khi sử dụng và không sử dụng máy Sansolver.

Bảng so sánh hiệu quả khi sử dụng và không sử dụng máy Sansolver.

Ông Shigemitsu Fukuda, Giám đốc của tập đoàn Hosoda, chuyên kinh doanh xuất khẩu thiết bị Sansolver cho biết, sản phẩm này được ứng dụng nhiều ở Nhật Bản và được các tạp chí chuyên ngành nuôi trồng thủy sản đánh giá cao. Ngoài ra, thân máy chính của Sansolver không sử dụng điện nên tiết kiệm chi phí. Sản phẩm cũng làm giảm mức tiêu thụ oxy khoảng 65% so với trường hợp sục khí oxy trong nước. 

Hợp tác này sẽ đẩy mạnh công nghệ nuôi trồng thủy sản.

Hợp tác này sẽ đẩy mạnh công nghệ nuôi trồng thủy sản.

Tiến sĩ Trương Đình Hoài, Bộ môn Môi trường và Bệnh Thủy sản, Học viện Nông nghiệp cho biết, ông muốn tận dụng lợi thế trong công nghệ của Nhật Bản, thử nghiệm và ứng dụng trong các mô hình nuôi ở Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng và giá trị xuất khẩu cao như cá rô. Đây cũng là cơ hội để tiếp tục đổi mới công nghệ, ứng dụng trong thực tế sản xuất ngành thủy sản để mang lại hiệu quả cao hơn cho người dân và xây dựng ngành phát triển bền vững.

"Việc tích hợp công nghệ của Nhật Bản và Việt Nam sẽ nâng cao hiệu quả của ngành thủy sản Việt Nam với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, xuất khẩu sang Nhật Bản", ông Hoài cho hay.

(Theo VnExpress)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục