Doanh nghiệp nông thủy sản, thực phẩm Nhật sang Việt Nam tìm thị trường

20 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, trong đó có 9 DN lần đầu tiếp xúc và tìm hiểu tại thị trường Việt Nam đã tham gia kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và nông lâm thủy sản Nhật Bản do Tổ chức thúc đẩy ngoại mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 28/7.

Chương trình này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác, mở rộng cơ hội phát triển kinh doanh và khai thác thị trường.

Tại buổi kết nối, các doanh nghiệp Nhật giới thiệu nhiều sản phẩm như gạo, mì, thịt bò, hải sản, trái cây tươi, nước ép trái cây đóng lon, rượu, bánh, sữa bột… Tiêu biểu như sản phẩm nước ép đào đóng lon Meguminước được cô đặc 100% từ quả đào tươi của Công ty JA Fukushima, sản phẩm hoàn toàn không chứa đường và chất bảo quản.

Một số doanh nghiệp khác cũng mang tới nhiều loại thịt bò đặc sản của Nhật như bò Wakyu, bò Bungo… được giới thiệu là có hương vị thơm ngon và béo ngậy. Bên cạnh đó, nhiều loại trái cây tươi như táo, lê Kousui cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản đem tới giới thiệu tại lễ kết nối.  

Không chỉ tập trung giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản còn coi trọng việc trao đổi, kết nối và hướng đến ký kết hợp đồng với nhiều đối tác tiềm năng. 

Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về văn hóa ẩm thực nên sự hợp tác cần có sự giới thiệu về văn hóa hai nước. Các sản phẩm của Nhật Bản vẫn nổi tiếng với thương hiệu “an tâm, an toàn” và đem đến cho khách hàng Việt Nam những sản phẩm chất lượng cao. 

Ông Hironobu Kitagawa đánh giá, Việt Nam là đất nước có dân số và tâm lý của người trẻ thường mong muốn được thưởng thức các sản phẩm mới. Vì vậy tiềm năng phát triển sản phẩm của Nhật Bản tại Việt Nam là rất lớn. 

Ông Hironobu Kitagawa cho biết, người dân Nhật Bản cũng mong muốn được sử dụng các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản cũng có khẩu vị riêng nên các sản phẩm muốn xuất khẩu sang Nhật Bản cần chế biến sao cho hương vị gần gũi với khẩu vị người dân Nhật Bản. Như vậy sản phẩm đó sẽ sớm được thị trường Nhật Bản đón nhận.

Do vậy, Việt Nam hay các nước muốn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cần đáp ứng được yêu cầu khắt khe đó, đặc biệt là chất lượng phải luôn đảm bảo an toàn, an tâm. 

"Bản thân sản phẩm Việt Nam có hương vị gốc rất thơm ngon, khi chế biến phải giữ được hương vị gốc đó cộng thêm tạo ra được hương vị phù hợp với khẩu vị của của người dân Nhật Bản. Và để được thị trường Nhật Bản đón nhận sản phẩm Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam nên cùng các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác chế biến để đưa sản phẩm đó vào thị trường Nhật Bản một cách dễ dàng" - ông Hironobu Kitagawa nói. 

Một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia buổi kết nối cũng cho biết, so với các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, thực phẩm Nhật Bản có giá khá cao. Tuy nhiên, với uy tín về độ an toàn và hương vị đặc trưng, nên nhiều loại thực phẩm Nhật vẫn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng và tiêu thụ ngày càng tăng.

Tham dự tại sự kiện với mong muốn tìm kiếm đối tác hợp tác trong lĩnh vưc thực dưỡng, bà Phạm Thị Kiều Oanh, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty TNHH TM DV Gabanature luôn tin tưởng và kỳ vọng sẽ sớm có được những thỏa thuận hợp tác để cùng phát triển giữa hai thị trường Việt Nam và Nhật Bản.

Với mức độ tin tưởng cao của người tiêu dùng Việt Nam đối với thương hiệu Nhật Bản “an tâm, an toàn”, chương trình kết nối năm 2016 đã thu hút sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến nông thủy sản chế biến, nhất là sản phẩm sữa bột đã ký các hợp đồng nhập khẩu với số lượng lớn. 

Đươc biết, năm 2016 Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong số các quốc gia mà Nhật Bản xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm và là thị trường đầy hứa hẹn cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu từ Nhật Bản.

(Theo DĐDN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục