Với 65km chiều dài bờ biển, diện tích nuôi thủy sản gần 47.000ha/năm và gần 4.300 tàu khai thác thủy sản, tổng sản lượng đạt trên 450 ngàn tấn/năm (trong đó, sản lượng tôm đạt 50 ngàn tấn/năm)... Đây là lợi thế mà tỉnh đang khuyến khích đầu tư phát triển, nhất là chuỗi giá trị con tôm, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, chế biến xuất khẩu.
Lợi thế thu hút đầu tư
Hiện tỉnh đang thuộc tốp 5 tỉnh (cùng với Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang) dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng tôm hàng năm. Song, trăn trở của tỉnh là chưa thu hút được doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy chế biến. Hiện chỉ có Công ty cổ phần Lâm thủy sản Bến Tre (Faquimex) chế biến tôm chủ yếu từ vùng nuôi của công ty, sản lượng không đáng kể. Hầu hết sản lượng tôm thu hoạch của người dân được bán thô cho các tỉnh lân cận và thương lái Trung Quốc. Vì thế, tỷ trọng mặt hàng tôm đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hiện nay gần như là con số “0”.
Là một trong những DN dẫn đầu ngành thủy sản Bến Tre (thuộc Câu lạc bộ DN dẫn đầu tỉnh Bến Tre), ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng phân tích: “Tỉnh có lợi thế về biển, vùng nuôi tôm nước lợ và vùng nuôi nghêu... Nhưng lợi thế đó không đem lại thặng dư nhiều cho xã hội. Do đó, phải phát triển khâu chế biến và xuất khẩu. Hiện nay, khâu chế biến thủy sản ở tỉnh còn thấp trong khi điều kiện tự nhiên tương đối tốt. Hướng tới, tỉnh nên kêu gọi đầu tư và phát triển khâu chế biến, nhất là chế biến tôm thành mặt hàng cao cấp, mặt hàng giá trị gia tăng. Một lợi thế nữa của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực là điều kiện địa lý, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 86km”.
Ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng, tỉnh có triển vọng lớn nếu tăng cường khâu xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, cải cách sâu thủ tục hành chính. Chủ trương của tỉnh rất thông thoáng, vì vậy các sở, ban ngành, cán bộ cấp dưới nên đi vào thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp. Cụ thể, thay đổi tư duy kiểm tra, quản lý, kiểm soát chuyển sang đồng hành, hỗ trợ theo đúng chủ trương, không “hành” DN bằng việc kiểm tra, kiểm soát nhiều lần của nhiều ngành, nhiều cơ quan chức năng khác nhau. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra, kiểm soát sau đầu tư, tỉnh cũng nên nghiêm túc xem lại. Yếu tố quyết định câu chuyện thành công, phát triển bền vững con tôm tỉnh nhà nói riêng và thủy sản nói chung là con người. Hướng tới, nếu mọi thủ tục thông thoáng, DN sẵn sàng đầu tư tiếp. Hiện nay, DN đã có kế hoạch và sẵn sàng tâm thế để đầu tư trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu mặt hàng con tôm.
Quy hoạch từ khâu nuôi đến chế biến
Ông Trần Văn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre, cũng là DN dẫn đầu ngành thủy sản của tỉnh (thuộc Câu lạc bộ DN dẫn đầu tỉnh) cho hay, không chỉ Bến Tre mà các tỉnh Tây Nam Bộ, DN ngành thủy sản đang phát triển với số lượng rất nhanh nhưng đa phần có quy mô nhỏ lẻ và theo thời vụ. Đã đến lúc, cộng đồng DN phải thay đổi bằng cách làm ăn nghiêm túc, xuyên suốt để bảo vệ chính mình.
Theo tiêu chuẩn của thị trường thế giới ngày nay, chất lượng phải được thống nhất, trong đó an toàn vệ sinh thực phẩm được đưa lên hàng đầu. Bản thân DN phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như: GlobalGAP, VietGAP, chứng nhận MSC, ASC… DN có vùng nuôi, có vệ tinh cần thống nhất, có kiểm soát, làm đúng quy chuẩn. Trong thực tế, một số phản ánh từ thị trường nước ngoài, sản phẩm cá của vài đơn vị bị nhiễm dư lượng thuốc. Tức người nuôi lạm dụng thuốc vào nuôi trồng. Nhưng hiện nay, công tác kiểm soát chưa đồng đều nên sản phẩm đưa ra thị trường bị “ách” lại. Hơn nữa, nếu đi theo hướng sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thì tự động con tôm Bến Tre sẽ loại bỏ các thị trường thấp và từng bước xâm nhập vào thị trường lớn, với giá trị xuất khẩu cao hơn, nâng cao uy tín sản phẩm.
Đề cập đến chiến lược của DN dẫn đầu, ông Trần Văn Đạt cho biết, tới đây, DN có kế hoạch ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thuật. Câu chuyện quan trọng hơn mà Câu lạc bộ DN dẫn đầu tỉnh sẽ phải bàn nhiều, bàn sâu là liên kết, thống nhất hướng đi trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, thống nhất giá sàn xuất khẩu. Muốn làm được điều này, Câu lạc bộ phải xây dựng được phương án, giải pháp chung mà từng DN nhận thấy là khả thi, có lợi. Hiện nay, trong vấn đề hợp nhất cộng đồng DN, có nhiều ý tưởng tốt nhưng chưa giải quyết được các mâu thuẫn.
Phát triển bền vững đồng nghĩa với việc DN phải quy hoạch lại từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến, theo hướng hạn chế xuất khẩu thô, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng. Vì thế, các DN nên chú trọng đảm bảo tốt các tiêu chuẩn để từng bước chiếm lĩnh thị trường lớn trên thế giới. Về phía người nuôi, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn thì sẽ có nhiều DN mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị con tôm.
(Ông Trần Văn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre)
|
(Theo báo Đồng Khởi)