Đấu giá hải sản nâng cao giá trị đánh bắt

Làm gì để đảm bảo đầu ra ổn định cho hải sản sau những chuyến khơi xa và gia tăng giá trị đánh bắt ? Lời giải khả thi nhất chính là tổ chức các phiên chợ đấu giá hải sản.

Khai thác thủy hải sản là thế mạnh của nhiều địa phương duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, hải sản đánh bắt về vẫn được thu mua theo hình thức cũ, thông qua các chủ vựa hay đầu nậu, giá cả thất thường, nếu không muốn nói là thường xuyên bị ép giá. Những hạn chế như vậy sẽ chấm dứt nếu hình thành các chợ đấu giá. Dự kiến vào đầu tháng 9 tới đây, TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước sẽ triển khai thí điểm đấu giá hải sản ngay tại Chợ đầu mối Thủy sản Thọ Quang, nơi có sản lượng hải sản qua cảng bình quân 100 nghìn tấn/năm. 

Ngoài việc phổ biến chủ trương mới mẻ này đến với các chủ thể tham gia phiên đấu giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng còn chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phiên đấu giá hải sản đầu tiên diễn ra suôn sẻ.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 9/2018 đến tháng 1/2019 sẽ có 60 phiên thí điểm đấu giá tại chợ đầu mối hải sản Thọ Quang. Kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ có tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Hình thành chợ bán đấu giá hải sản là giải pháp hữu hiệu để gia tăng giá trị hải sản đánh bắt, ổn định đầu ra cho ngư dân, qua đó thúc đẩy phát triển ngành khai thác đánh bắt hải sản, khuyến khích ngư dân bám biển. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trở ngại, trong đó không thể không kể đến thói quen đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển của ngư dân, mối quan hệ ràng buộc giữa các chủ tàu và các đầu nậu, thói quen đánh bắt hỗn hợp nhiều chủng loại hải sản trong cùng một chuyến biển.  

* Kinh nghiệm từ phiên đấu giá chợ hải sản tại Nhật Bản

Những lô cá ngừ bắt đầu được gỡ đá, rửa sạch và trưng bày trong khu đấu giá để chờ sự thẩm định khắt khe của người mua lúc 3h sáng tại chợ cá đầu mối Osaka. Sự gọn gàng và sạch sẽ là điều dễ nhận thấy tại các phiên đấu giá nhằm tạo tâm lý an tâm đối với người mua hàng. Không khí đấu giá sôi nổi và chuyên nghiệp sẽ kích thích người mua trả giá. Để tạo thương hiệu đối với công ty điều hành đấu giá, thì môi trường đấu giá luôn đảm bảo công bằng, minh bạch để người mua đánh giá đúng chất lượng sản phẩm và đi đến trả giá.

Các công ty tổ chức đấu giá Nhật Bản đã phải mất nhiều công sức và thời gian để tạo ra uy tín, thương hiệu cho phiên đấu giá. Phiên đấu giá càng uy tín thì sẽ càng quy tụ được nhiều người bán và người mua. Các sản phẩm hải sản chất lượng của Nhật Bản thông thường sẽ được bán đấu giá số lượng lớn tại các chợ đầu mối, người mua thường là những nhà hàng, quán ăn, siêu thị. Quy mô, tần suất các phiên đấu giá tùy thuộc vào năng lực và uy tín của các công ty tổ chức đấu giá. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất quan trọng tại các phiên đấu giá, nhằm truy trách nhiệm khi có sự cố về an toàn thực phẩm.

Rõ ràng đấu giá hải sản đang là một hình thức tiên tiến đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, không chỉ gia tăng giá trị đánh bắt, đảm bảo quyền lợi của ngư dân và cả người thu mua, mà còn đáp ứng được các yêu cầu về đánh bắt có trách nhiệm, đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn, làm cơ sở cho ngành công nghiệp chế biến và các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU thắt chặt kiểm soát chất lượng đầu vào.

(Theo VTV)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục