Năm 2017 xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016. Năm 2018, xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 8,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra đòi hỏi ngành thủy sản phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, coi đó là mấu chốt trong chiến lược phát triển xuất khẩu.
Tôm, cá lên ngôi
Dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, năm 2018, tôm tiếp tục được xác định là sản phẩm chủ lực. Trước đó, năm 2017 đã chứng kiến một năm được mùa của ngành tôm với giá trị xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2016, gần bằng mức kỷ lục 3,9 tỷ USD năm 2014. Trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm chân trắng chiếm vị trí chủ đạo với tỷ trọng 65,6%; tôm sú chiếm 22,8%, còn lại là tôm biển với 11,6%. Năm 2017, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt, trong đó thị trường EU dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng có mức tăng trưởng mạnh nhất với 56,8%, đạt 683,2 triệu USD, dự báo Trung Quốc có khả năng vượt Nhật Bản, trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý I-2018. Với giá tôm thế giới vẫn ổn định trong tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm nước ta trong quý I có thể đạt được mức tăng trưởng 5%.
Về mặt thị trường, điều đáng lo nhất chính là thị trường Mỹ. Năm 2017, xuất khẩu sang Mỹ đạt 659,2 triệu USD, giảm 7% so với năm 2016. Trong năm 2018, với nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật từ phía Mỹ thì thị trường này càng có nguy cơ thu hẹp hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải có “đường đi nước bước” thích hợp để nâng cao kim ngạch.
Bên cạnh tôm, cá tra cũng là mặt hàng chủ lực truyền thống của ngành thủy sản. Năm 2017, xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016. Dù mức tăng này khá khiêm tốn nhưng cũng được đánh giá là nỗ lực không nhỏ, nhất là trong điều kiện cá tra liên tục bị “mắc cạn” tại những thị trường truyền thống lớn. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Công đạt 410,8 triệu USD, tăng 34,8% so với năm 2016, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên hai thị trường lớn là Mỹ và EU thì tổng giá trị xuất khẩu cả năm lại giảm lần lượt 11% và 22,3% so với năm trước. Trong quý I-2018, VASEP cũng nhận định, xuất khẩu cá tra chưa có khả năng phục hồi ở thị trường EU nhưng về tổng quan nhu cầu của tất cả các thị trường trên thế giới thì cá tra vẫn có khả năng đạt kim ngạch 1,85 tỷ USD trong năm 2018.
Chất lượng là mấu chốt
Nhu cầu tiêu dùng thủy sản năm 2018 sẽ tăng cao hơn so với năm 2017. Riêng đối với mặt hàng tôm, theo nhận định của Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe thì, năm 2018 tôm có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhất là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang EU sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, kéo theo mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
Mặc dù vậy, ông Hòe cũng khẳng định: EU là thị trường có quá nhiều quy định kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm, môi trường và phát triển bền vững cho nên nếu chỉ có cơ hội về thuế mà không đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng khó trụ được. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi EU đang áp “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam vì các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.
Cùng chung quan điểm với ông Trương Đình Hòe, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng cho rằng, ngành thủy sản buộc phải định hướng phát triển ở góc độ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ phương thức nuôi trồng, đánh bắt, truy xuất nguồn gốc đến công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm, hình thức đóng gói, truyền thông quảng bá… Nếu không, cứ mỗi lần phía đối tác dựng lên “hàng rào” kỹ thuật, chúng ta lại mất một thời gian dài lúng túng đối phó, ảnh hưởng rất lớn đến các hợp đồng xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp cũng như của cả ngành thủy sản. Do vậy, ngành thủy sản nước ta vẫn phải đưa chất lượng lên hàng đầu, coi đó là mấu chốt trong chiến lược phát triển xuất khẩu thủy sản.
Trước mắt, phải nhanh chóng và chắc chắn trong việc ứng phó với những rào cản đã được dựng lên từ phía đối tác. Đó là các yêu cầu về chất lượng và kiểm dịch theo Chương trình Thanh tra cá da trơn mà phía Mỹ đưa ra và áp dụng kể từ đầu tháng 8-2017; là mức thuế chống bán phá giá khá cao mà các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ phải chịu… Hiện Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã hoàn thiện Bản câu hỏi đánh giá tương đương (SRT) theo yêu cầu của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) để xác định điều kiện sản xuất tương đương giữa nghề nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam với Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng chính thức gửi yêu cầu tới Mỹ đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, ba-sa nhập khẩu từ Việt Nam.
(Theo báo Nhân Dân)