Chú trọng công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị thủy sản

Bình Thuận hiện có 345 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và 14 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…

Phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều được chứng nhận và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, tiêu chuẩn BRC, Halal…

Trong những năm qua, ngành thủy sản Bình Thuận đã xây dựng được mối liên kết chuỗi từ công đoạn khai thác đến thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Sản lượng thủy sản chế biến toàn tỉnh năm 2017 đạt 48.472 tấn, trong đó hàng xuất khẩu đạt 18,4 ngàn tấn, tăng 4,2% so năm 2016. Thương hiệu nước mắm Phan Thiết được tập trung duy trì và phát triển, toàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp, trong đó có 7 doanh nghiệp được chứng nhận HACCP, ISO 7 22000:2005, có 65 hộ kinh doanh chế biến nước mắm và hơn 100 cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình với tổng sản lượng nước mắm sản xuất bình quân gần 40 triệu lít/năm. Mặt hàng hải sản tiếp tục đóng vai trò chủ lực tham gia xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao trong giá trị xuất khẩu của tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt 140,6 triệu USD, tăng 15% so năm 2015 và chiếm 37% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh.

Trong những năm qua, ngành thủy sản tỉnh đã tập trung triển khai toàn diện các biện pháp quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản. Năm 2016 - 2017, thực hiện hỗ trợ và hướng dẫn 26 cơ sở thực hiện chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Ngành thủy sản đã triển khai 2 mô hình chuỗi cung ứng nước mắm an toàn, lũy kế đến nay đã xây dựng được 3 mô hình chuỗi nước mắm, 4 chuỗi sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa và 16 chuỗi sản phẩm thủy sản chủ yếu xuất khẩu. Có 3 cơ sở tham gia chuỗi được gắn tem có logo nhận diện, tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Chú trọng triển khai các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Hàng năm, phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đưa sản phẩm thủy sản vào tiêu thụ ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2016, tổ chức cho nhà phân phối thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ, trao đổi mua bán với các cơ sở chế biến thủy sản khô, thủy sản sơ chế đông lạnh của tỉnh. Năm 2017, đã xây dựng và kết nối thành công 1 chuỗi cung cấp thủy sản sơ chế đông lạnh, sản phẩm đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Co.op mart. Tổ chức các đợt giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, showroom…

Để ngành công nghiệp chế biến và tiêu thụ thủy sản của tỉnh phát triển, thời gian đến ngành thủy sản địa phương cần chú trọng một số giải pháp như: Tập trung phát triển chế biến thủy sản đa dạng về quy mô, sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Khuyến khích đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản. Tăng cường công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản; kiểm soát chặt chẽ tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, nhất là sản phẩm tôm. Tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm thủy sản an toàn.

Tiếp tục phát huy lợi thế ngư nghiệp của tỉnh, đồng thời mở rộng liên kết các vùng nguyên liệu để chủ động nguyên liệu đầu vào cho chế biến; đa dạng hóa sản phẩm chế biến; nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao; coi trọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, chú ý sử dụng nguồn nguyên liệu hải sản dồi dào, sẵn có địa phương gồm các loài cá nổi, các loại mực, nhuyễn thể hai mảnh vỏ... để chế biến các dạng sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Duy trì ổn định năng lực chế biến nước mắm, giữ vững uy tín, thương hiệu nước mắm Phan Thiết. Tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, chất tăng trọng…trong toàn chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm chế biến. Phấn đấu đến năm 2020, có 90% doanh nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, Codex… Quản lý chặt vệ sinh môi trường chế biến trong từng cơ sở, nhà máy và tại các khu quy hoạch chế biến thủy sản tập trung. Đảm bảo 100% cơ sở, nhà máy đầu tư mới đạt chuẩn về bảo vệ môi trường.

(Theo báo Bình Thuận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục