Để mặt hàng thủy sản đạt chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc, cần tránh tình trạng thiếu thừa, dẫn tới tăng cao giá thành nguyên liệu.
Ở ĐBSCL, diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định trong các năm qua, từ khoảng 730.000 ha năm 2011 đến năm 2017 là 757.000 ha; sản lượng thủy sản nuôi năm 2017 ước đạt 2,8 triệu tấn.
Các sản phẩm nuôi trồng thủy sản trong vùng khá đa dạng, trong đó sản phẩm chủ lực xuất khẩu là cá tra và tôm nuôi nước lợ được đánh giá khá cao tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất một số mặt hàng thủy sản trong vùng vẫn còn manh mún, tự phát; có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để mặt hàng thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra tại ĐBSCL đạt chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc, cần có những biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn, cân đối 3 yếu tố thời vụ là thả nuôi; sản xuất giống; sản xuất thức ăn nhằm tránh tình trạng thiếu thừa, dẫn tới tăng cao giá thành nguyên liệu, ảnh hưởng sản lượng thu hoạch, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, ĐBSCL nên nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao kèm theo tiêu chuẩn nuôi tôm sạch. Các địa phương trong vùng cũng cần cải thiện các vấn đề về logistics, nhằm giúp giảm chi phí lưu thông tại khu vực này, từ đó giảm giá thành sản phẩm góp phần nâng khả năng cạnh tranh./.
(Theo VOV)