Các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm và thủy sản: Cần xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến

Theo Luật An toàn thực phẩm quy định, việc quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm và thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành vệ sinh tốt (GHP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm và thủy sản, việc xác định các điểm kiểm soát rất quan trọng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp và kiểm soát trong suốt quá trình một cách hiệu quả, góp phần phòng ngừa các mối nguy mất an toàn thực phẩm (ATTP). HACCP là một công cụ hiệu quả để kiểm soát các mối nguy có thể phát sinh từ thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, từ đó xây dựng trước các biện pháp phòng ngừa. Quy trình HACCP sẽ phân tích toàn bộ hệ thống sản xuất từ khâu chọn nguyên liệu đến thành phẩm, kiểm tra và bảo quản có khả năng làm ảnh hưởng đến sản phẩm như: mối nguy sinh học, mối nguy hóa học, mối nguy vật lý… các thủ tục theo dõi, giám sát và những tác động điều chỉnh đến kiểm soát các mối nguy. Do đó, quy trình HACCP đã triệt tiêu các mối nguy có thể có ngay từ khi nó chưa xảy ra, giúp cho các cơ sở giảm thiểu các chi phí do các sản phẩm không đạt yêu cầu, chi phí cho việc phân tích, lấy mẫu và những thiệt hại nếu sản phẩm không đạt yêu cầu đến tay người tiêu dùng. Hơn nữa, HACCP giúp cho cơ sở tự tin tiếp xúc với người tiêu dùng, chứng minh rằng sản phẩm được kiểm soát bởi một hệ thống quản lý chất lượng và đảm bảo ATTP.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 249 cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm và thủy sản. Theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra vẫn còn một số cơ sở lỗi chưa xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP). Từ năm 2015 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã hỗ trợ xây dựng, hướng dẫn áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo quan điểm HACCP cho 60 cơ sở chế biến nông, lâm và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chương trình hỗ trợ cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm và thủy sản xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, chi cục thực hiện hàng năm để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020: 70% cơ sở chế biến nông sản, 100% cơ sở chế biến thủy sản thực phẩm quy mô công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP theo Quyết định số 3297/QĐ-UBND ngày 9/10/2014 của UBND tỉnh.

(Theo báo Bình Thuận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục