Bến Tre: Khai thác thủy sản đạt hơn 217 nghìn tấn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích canh tác trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Bến Tre là hơn 45.000 ha, đạt hơn 96% kế hoạch năm. Tổng sản lượng khai thác ước hơn 217.000 tấn, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt gần 85% kế hoạch năm.

Theo đó, diện tích nuôi tôm chiếm nhiều nhất, với hơn 36.000 ha. Tại các địa phương ở Bến Tre có khá nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả như: nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, tôm lúa, tôm rừng đều thuận lợi, cùng với giá cả luôn ở mức khá cao, người nuôi có lãi. Đặc biệt, hiện ở Bến Tre đã bước đầu  áp dụng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, năng suất trung bình hơn 50 tấn/ha.

Cùng với đó, tổng sản lượng khai thác thủy sản của hơn 3.900 tàu cá của Bến Tre cũng đạt gần 148.000 tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt hơn 72% chỉ tiêu kế hoạch năm. Sau mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, mỗi tàu có lãi từ 200 đến 400 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục Thủy sản và chính quyền các địa phương tỉnh Bến Tre đã vận động được 53 hộ với 79 tàu, gần 650 thuyền viên vào các tổ, đội đánh bắt. Hiện, Bến Tre đã thành lập được 160 tổ, đội đánh bắt xa bờ, với 864 hộ, hơn 1.700 tàu, hơn 14.000 ngư phủ tham gia.

Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, từ nay đến cuối năm 2017, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sẽ tăng cường công tác quan trắc tại các vùng nuôi để thu mẫu, phát hiện nguy cơ dịch bệnh nhằm kịp thời khuyến cáo cho người dân. Bên cạnh đó, tổ chức thường xuyên các đợt thanh tra, kiểm tra về chất lượng con giống, thuốc thủy sản… Trên lĩnh vực khai thác thủy sản sẽ tăng cường quản lý, hạn chế phát triển tàu khai thác ven bờ, tàu hành nghề lưới kéo. Thanh tra, kiểm tra chặt chẽ đối với các hoạt động cải hoán, đóng mới tàu không đúng chủ trương, quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh này là tôm biển, cá tra, nghêu, sò đều phát triển khá mạnh. Trong những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Bến Tre tăng nhanh, trong đó, tôm chân trắng phát triển vượt khá nhanh, cho thấy bước phát triển mạnh về con tôm chân trắng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tay nghề kỹ thuật của người nuôi ngày một nâng cao, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Sản phẩm thủy sản của Bến Tre đã xuất khẩu sang 40 nước và vùng lãnh thổ như: Nhật, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Bỉ, Malta, Ý, Hà Lan, Đức, Mexico, Canada, Cuba, Ai Cập... Trong đó, thị trường xuất khẩu chính vẫn là Nhật, Mỹ, EU.

Ổn định và khai thác có hiệu quả vùng nuôi theo hướng an toàn, bền vững đồng thời có chú ý đến các khả năng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn sâu và kéo dài; đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; xây dựng và nhân rộng mô hình nông ngư kết hợp trên đất lúa kém hiệu quả, khuyến khích mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; áp dụng công nghệ cao và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế... đó là những tiêu chí mà ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã và đang hướng tới.

Theo đó, trên lĩnh vực nuôi trông thủy sản, sẽ xây dựng các vùng nuôi thủy sản an toàn theo hướng liên kết, thí điểm và nhân rộng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên và tập trung triển khai thực hiện các dự án về giống, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Trong khai thác thủy sản, sẽ thực hiện cơ cấu lại tàu khai thác ven bờ, hạn chế các ngư cụ và phương tiện khai thác lạm sát nguồn lợi thủy sản và hủy hoại môi trường sinh thái biển. Đồng thời, sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề và việc làm để ổn định cuộc sống. Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển khai thác xa bờ, phát triển mô hình tổ, đội khai thác thủy sản trên biển. Hỗ trợ nâng cao năng lực khai thác, chuyển đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ tốt và hỗ trợ áp dụng kỹ thuật, công nghệ giảm thất thoát sau thu hoạch.

Cùng với thực hiện quy hoạch, chuyển đổi nuôi trồng và khai thác cho phù hợp hơn, việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến thủy sản đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến, kết hợp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chế biến, tiêu thụ với sản xuất nguyên liệu đảm bảo nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng... Đến năm 2020, tỉnh Bến Tre ổn định diện tích nuôi thủy sản từ 46.000 đến 47.000 ha, trong đó nuôi thâm canh từ 8.000 đến 10.000 ha, sản lượng đạt từ 250.000 đến 300.000 tấn, gồm các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, nghêu, cá tra và tôm càng xanh.

Được biết, năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre có 46.800ha nuôi trồng thủy sản, với tổng sản lượng nuôi đạt 248.623 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đạt khoảng 10.000ha, sản lượng trên 45.000 tấn/năm; nhuyễn thể 5.000ha, sản lượng trên 17.700 tấn; cá tra 760ha, sản lượng trên 167.000 tấn; tôm càng xanh 2.100ha, sản lượng trên 1.100 tấn và còn lại là các đối tượng thủy sản khác./.

(Theo ĐCSVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục