Trong những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017, thời tiết diễn biến phức tạp, liên tục có mưa trái mùa, dẫn đến nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá cao, gây bất lợi cho người nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, đây là thời điểm thả giống chính vụ 1 năm 2017 nên người nuôi trồng thủy sản khá lo lắng.
Người nuôi e dè
Những cơn mưa trái mùa gần đây đã khiến môi trường nước trong ao, khu vực nuôi trồng thủy sản biến động mạnh. Nhiều chỉ tiêu trong nước vượt ngưỡng cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi như bỏ ăn, bị sốc, thậm chí có dấu hiệu chết rải rác. Ông Lê Minh Châu, một hộ nuôi tôm công nghiệp lâu năm tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 3 ao tôm thẻ chân trắng. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, ông Châu đã phải thực hiện các biện pháp bảo vệ ao nuôi tôm của mình như: rắc vôi quanh bờ, định kỳ vệ sinh đáy ao, thường xuyên theo dõi và kiểm tra môi trường nước, bổ sung đầy đủ các chất khoáng cho tôm... “Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, tôi chưa dám thả nuôi hết 7 ao còn lại”, ông Châu nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, một hộ nuôi thủy sản lồng bè tại tiểu khu số 1, sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) cho biết, hiện gia đình chị đang thả nuôi cầm chừng một ít cá biển, chủ yếu là cá chim vây vàng và cá chẽm, đây là 2 loại cá dễ nuôi, ít bị hao hụt. Riêng cá bớp, chị chưa dám thả nuôi vì môi trường nuôi tại tiểu khu số 1 chưa bảo đảm, mưa trái mùa liên tục xảy ra, khiến nhiệt độ giảm thấp.
Cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.500ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 2.214ha, diện tích nuôi nước mặn, lợ 5.286ha. Nuôi trồng thủy sản đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Trước tình hình thời tiết như hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đã khuyến cáo một số biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại khi nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đối với các ao nuôi tôm, mưa lớn kéo dài sẽ làm nước phân tầng, nhiệt độ, oxy hòa tan, pH, độ kiềm và độ mặn trong nước giảm, vật chất hữu cơ tích tụ nhiều ở đáy ao, khiến vi khuẩn gây bệnh lấn át vi khuẩn có lợi. Bên cạnh đó, mưa lớn tạo tiếng ồn có thể làm tôm bị stress, tôm lột xác vì pH thấp. Các yếu tố trên có thể khiến tôm nuôi giảm ăn, vùi mình ở đáy ao, sức đề kháng yếu, dẫn đến nguy cơ bị bệnh, chết. Do vậy, người nuôi cần tăng cường chạy quạt nước, hệ thống cung cấp oxy khi trời mưa, nhằm tạo thêm hàm lượng oxy (DO) trong nước cao hơn bình thường ít nhất 20%, đồng thời kiểm tra hàm lượng oxy trong ao nuôi thường xuyên. Cùng với đó, người nuôi cần chủ động rút nước tầng mặt (nước mưa) để tránh tình trạng giảm độ mặn và nhiệt độ đột ngột dẫn đến tôm bị sốc. Người nuôi cũng nên thường xuyên kiểm tra pH trong ao khi trời mưa, nếu thấp thì rải vôi xung quanh bờ ao... Đối với người nuôi cá lồng bè, cần thường xuyên kiểm tra môi trường nước và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp, giải pháp để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Trong đó, nên tăng cường sục khí để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, nhất là vào thời điểm con nước đứng, bố trí đồng đều các vòi sục khí để không làm cá tập trung cục bộ, cường độ sục khí vừa phải, kích thước bọt khí càng nhỏ càng làm tăng sự hòa tan của dưỡng khí vào nước, đặc biệt chú ý đối với các loại cá sống tầng nổi có nhu cầu ôxy cao như cá chim, cá bớp… Các hộ nuôi cần vệ sinh sạch sẽ lưới của các lồng nuôi để tăng cường sự trao đổi nước, giúp lồng nuôi thông thoáng hơn; bổ sung các loại vitamin, các chất khoáng cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Chi cục Thủy sản cũng đề nghị người nuôi thực hiện đúng khung lịch mùa vụ nuôi do Sở NN-PTNT ban hành. Nếu thời tiết diễn biến bất lợi, môi trường nuôi chưa thật sự ổn định, người nuôi chưa vội thả nuôi ồ ạt, chỉ thả các đối tượng nuôi có sức đề kháng cao như cá chẽm, cá chim, hạn chế thả nuôi cá bớp, cá mú… Trong quá trình nuôi và chăm sóc, nếu cá nuôi có dấu hiệu bất thường, người nuôi cần báo ngay cho các ngành chức năng như Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời.
Báo Bà Rịa Vũng Tàu