Bà Rịa-Vũng Tàu phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh ven biển, với lợi thế diện tích mặt nước lớn, rất thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Bà RịaVũng Tàu phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản
Khu nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.

Những năm qua, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ.

Trong những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, nếu như năm 1991 diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa tới 2.000 ha, thì đến nay diện tích nuôi đã đạt hơn 7.200 ha. Trong số đó, 4.492 ha nuôi thủy sản nước mặn và nước lợ, với sản lượng đạt hơn 11.000 tấn/năm, còn lại là nuôi nước ngọt. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 214 triệu đồng, gấp 2 lần so với năm 2010.

Phát huy lợi thế sẵn có

Diện tích mặt nước rộng, hệ thống sông ngòi, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nên Bà Rịa – Vũng Tàu hội đủ các điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, tỉnh cũng đã phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thành phố Bà Rịa và nuôi lồng bè tại thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.900 ha mặt nước đang nuôi trồng các loại tôm sú, thẻ chân trắng… Đây là loại tôm có giá trị kinh tế và mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi, đặc biệt là khi bà con ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng.

Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, ngoài việc mang lại năng suất cao gấp nhiều lần so với hình thức nuôi tôm truyền thống trước đây, mô hình này còn giúp bà con tiết kiệm nước, tiết kiệm nhân công và điều đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sạch, đáp ứng được nguồn cung cho thị trường trong và nước ngoài.

Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ là một trong những doanh nghiệp có dự án nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 300ha. Trước kia công ty đầu tư nuôi theo phương pháp truyền thống trong 260 ao đất với diện tích 1ha/ao, từ năm 2011, đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, sau vài vụ nuôi, năng suất, chất lượng tôm giảm dần do môi trường ô nhiễm, diện tích ao nuôi quá lớn gây khó khăn trong quá trình xử lý, thay nước cho tôm…

Đến năm 2019, được tạo điều kiện về vốn, sự ủng hộ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công ty đã cải tạo toàn bộ hệ thống ao nuôi. Theo đó, ao được thiết kế trên diện tích nhỏ hơn và được trải bạt hoàn toàn lót dưới đáy ao.  

Mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ 234 theo hình thức siêu thâm canh vào mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú - Lộc An rút ngắn thời gian nuôi từ 4 tháng rưỡi xuống còn 3 tháng rưỡi; nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi. Vụ tôm năm 2020, sản lượng tôm của công ty đạt khoảng 1.000 tấn, lợi nhuận đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú, xã Lộc An cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản, đã giúp công ty tăng năng suất tăng, chất lượng con tôm thương phẩm, cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến của công ty.

Nghề nuôi cá biển lồng bè tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu đã được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch và phát triển từ năm 2007, hướng tới xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Mặc dù trải qua không ít khó khăn do ảnh hưởng môi trường nước, nhưng nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn vẫn có bước phát triển đáng kể, diện tích không ngừng được mở rộng hàng năm. Đặc biệt, nơi đây được coi là thủ phủ của hàu miền Nam. Chính việc nuôi hoàn toàn tự nhiên mà hàu Long Sơn trở thành một đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Dù được nuôi quanh năm, nhưng hiện nay hàu vẫn không cung cấp đủ nhu cầu của khách hàng. 

Theo thống kê, có năm sản lượng hàu ở Long Sơn đạt 15.000 tấn, tạo nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Người dân Long Sơn nuôi hàu bằng nhiều phương pháp nhưng phổ biến nhất là cách đóng giàn bè bằng thùng nhựa liên kết bằng dây thép và thả nổi xuống mặt nước cộng với những vật thả để hàu bám vào.

Từ khi phát triển mạnh mô hình nuôi trồng thủy sản, phần nhiều là mô hình nuôi hàu trên sông Chà Và, sông Rạng, thì nghề nuôi trồng thủy sản ở cửa biển không chỉ là nghề chính của nhiều hộ dân ở Long Sơn mà còn là nghề một số ngư dân đánh bắt xa bờ chọn để chuyển đổi.

Thiên nhiên ưu đãi, cộng với sự cần cù, chịu khó, không ít hộ ngư dân dần vươn lên thoát nghèo và làm giàu, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hàng năm các mô hình này cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 3.000 tấn cá lồng bè và khoảng 15.000 tấn hàu, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

Anh Nguyễn Công Biên, người nuôi cá trên sông Chà Và, xã Long Sơn đang nuôi khoảng 100 lồng các loại cá bớp, cá chim và hàu. Anh cho biết, gia đình gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản ngay cửa biển này đã lâu và là nguồn thu nhập chính với mức thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 500 triệu đồng/năm.

Hướng tới phát triển bền vững 

Khi ngư trường ngày càng cạn kiệt, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có các chủ trương giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, duy trì, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường; khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ nghề lưới giã cào sang các ngành nghề khác; trong đó, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi ở vùng cửa sông và biển đảo. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện cũng có chủ trương cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy, hải sản nuôi biển trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi thủy sản biển công nghiệp giúp quản lý hiệu quả, giảm rủi ro, tăng năng suất chất lượng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững hơn. Mặt khác, phát triển kinh tế từ nuôi biển còn kéo theo sự hình thành và phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ mới, đặc biệt là lĩnh vực hậu cần, thức ăn chăn nuôi hải sản. Qua đó, góp phần tạo thêm việc làm và sinh kế mới, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhiều năm nay tỉnh đã khuyến khích các hộ nuôi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản nuôi trồng đáp ứng được nhu cầu nguyên vật liệu cho ngành chế biến.

Như vậy, để các mô hình nuôi thủy sản phát triển bền vững, tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị bền vững, việc từng bước chuyển dịch nuôi thủy sản thủ công sang nuôi công nghiệp - ứng dụng công nghệ cao với sự tham gia của các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, song song với bảo vệ môi trường được coi là chiến lược phát triển bền vững nghề cá của Bà Rịa-Vũng Tàu.

(Theo Báo Tin tức)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục