Bà Rịa – Vũng Tàu: Phấn đấu 80% sản phẩm nuôi trồng thủy sản được quản lý theo mô hình VietGAP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh này là hơn 7.500ha. Trong đó, 2.215ha nuôi thủy sản nước ngọt và 5.286ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ, với chủng loài nuôi phong phú và đa dạng như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá chẽm, cá lóc, cá rô phi đơn tính, baba...

Theo quy hoạch, đến năm 2020, 80% sản phẩm nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu được quản lý theo mô hình VietGAP, giảm dần diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh sang quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái, hướng đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm sử dụng các hóa chất kháng sinh cấm trong quá trình nuôi.

Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững theo quy hoạch đã được phê duyệt, ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch rà soát lại tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu quy hoạch nuôi công nghiệp, khu sản xuất giống thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sớm cho chủ trương, bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại tại các khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu lập thêm các vùng quy hoạch nuôi hàu, nuôi cá biển, nuôi rong biển, nuôi sinh thái rừng ngập mặn... trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân và khai thác hết các thế mạnh và tiềm năng của tỉnh.

Được biết, nghề nuôi trồng thủy sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được chuyển dần từ hình thức nuôi quảng canh sang nhiều hình thức nuôi như quảng canh cải tiến, bán thâm canh, và thâm canh. Với 7.500 ha diện tích mặt nước, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm toàn tỉnh đạt gần 19 nghìn tấn, chủ yếu tập trung tại các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Tân Thành và thị xã Bà Rịa. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành một số vùng nuôi cá và các loại thủy sản khác phục vụ cho xuất khẩu với những sản phẩm nổi tiếng như: ngọc trai, ốc hương và cá mú tại Côn Đảo, vùng nuôi cá nước ngọt tập trung tại thị xã Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu hải sản, những năm qua trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động và ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát triển. Hiện, toàn tỉnh có 169 doanh nghiệp chế biến hải sản, trong đó có hàng chục nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm) với tổng công suất 250 ngàn tấn thành phẩm/năm, trong số này có 28 nhà máy được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu và hầu hết các nhà máy còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm, thời gian tới đây, tỉnh này sẽ tiếp tục đa dạng hóa các loại hình nuôi trồng, chế biến, nâng cao hiệu quả khai thác, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đẩy mạnh xuất khẩu, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu nội địa, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo chính là khai thác và phát triển đúng hướng, ổn định và bền vững thế mạnh thủy sản của tỉnh./…

(Theo ĐCSVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục