Hiện tại, An Giang đã và đang xây dựng những mô hình tăng trưởng mới, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; hướng tới sự phát triển bền vững, thu về giá trị gia tăng cao…
An Giang là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và là địa phương có nhiều lợi thế phát triển về nông nghiệp, du lịch, thương mại, kinh tế cửa khẩu… Hiện tại, An Giang đã và đang xây dựng những mô hình tăng trưởng mới, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; hướng tới sự phát triển bền vững, thu về giá trị gia tăng cao…
Đón 7,3 triệu du khách đến tham quan
Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Năm 2017, An Giang có 17/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,11%; thu ngân sách tăng trên 13%; kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD… Trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,1%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng linh hoạt về cơ cấu cây trồng, gắn với ứng dụng công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai theo hướng thực chất, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đã có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5,24%...”.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, An Giang đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng tỷ lệ cơ cấu giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; năng suất lúa liên tục tăng qua các năm; sản lượng lúa đạt bình quân khoảng 4 triệu tấn/năm (thuộc tốp đầu cả nước); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 173 triệu đồng/ha. Cùng với lúa gạo và rau màu, nghề nuôi cá tra là lợi thế của An Giang. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2018, diện tích nuôi cá tra thương phẩm của tỉnh đạt hơn 897ha (tăng 76ha so cùng kỳ), sản lượng thu hoạch hơn 152.000 tấn (tăng 35.555 tấn). Các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu hơn 140 triệu USD sản phẩm cá tra sang 73 thị trường thế giới. Nhờ xuất khẩu ổn định nên giá cá tra thời gian qua dao động mức cao, đảm bảo cho người nuôi cá có lãi.
Thêm điểm sáng của An Giang là hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khoe: “Chỉ tính riêng năm 2017, An Giang đón khoảng 7,3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.700 tỷ đồng. Đây là bước đột phá lớn của ngành du lịch. Được như vậy cũng nhờ An Giang thực hiện quyết liệt việc đầu tư hàng trăm khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn; phát triển hệ thống cáp treo Núi Cấm, công viên văn hóa Núi Sam, bến tàu du lịch Tân Châu, hoàn chỉnh giao thông đi lại đến các khu, điểm du lịch... tạo chất lượng phục vụ tốt, hài lòng du khách”.
Chọn thế mạnh để đột phá
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, thời gian qua quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh, tổng sản phẩm xã hội đã đạt trên 55.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch được phát huy tối đa; ngành nông nghiệp đang được tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư... Tới đây, An Giang sẽ nỗ lực đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Là tỉnh nông nghiệp và có thế mạnh về thương mại, vì vậy nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế được xác định theo thứ tự ưu tiên “nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng”. Trong đó, nông nghiệp và du lịch là 2 mũi nhọn, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh để tạo nền tảng phát triển những lĩnh vực khác. Cụ thể, về nông nghiệp sẽ thay đổi tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp; thực hiện chuyển dịch từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang những loại cây trồng khác, hoặc nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn. Nghiên cứu thí điểm xây dựng trung tâm thông tin và giao dịch nông sản nhằm giúp các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh kết nối với thị trường tiêu thụ tại TPHCM, Cần Thơ và thị trường Campuchia... Song song đó, kêu gọi xã hội hóa đầu tư một số chợ chuyên doanh gắn với một số mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua sơ chế, chế biến trước khi ra thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Đối với du lịch, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Sẽ xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là điểm đến hấp dẫn, mang nét riêng về văn hóa - con người An Giang, xây dựng hình ảnh ngành du lịch có uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh cao ở ĐBSCL và cả nước. Phấn đấu đưa An Giang vào điểm du lịch quốc gia, hình thành thương hiệu du lịch An Giang. Tỉnh đang huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng và đặc sắc, đáp ứng nhu cầu du khách. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển 4 loại hình du lịch đặc trưng là: du lịch tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, du lịch sông nước; tham quan di tích văn hóa lịch sử”.
An Giang cũng đang chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, dự kiến tổ chức vào tháng 9-2018. Tại hội nghị, tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án ở 5 lĩnh vực là nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, công nghiệp, xây dựng - đô thị, y tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 32.423 tỷ đồng. Ký cam kết đầu tư 5 dự án với tổng vốn dự kiến là 25.665 tỷ đồng. Các lĩnh vực như: xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao, khu phức hợp sản xuất lúa hữu cơ, chế biến gạo xuất khẩu, nuôi bò sữa công nghệ cao, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… được An Giang ưu tiên kêu gọi đầu tư.
|
(Theo SGGP)