6 phương pháp dùng thuốc trong nuôi trồng thủy sản

Việc sử dụng thuốc để phòng và trị bệnh trong nuôi thủy sản là điều cần thiết, nhằm làm giảm tổn thất và đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, người nuôi cần phải biết các nguyên tắc sử dụng cơ bản để tránh rủi ro, đảm bảo an toàn thực phẩm... Dưới đây là các cách dùng thuốc để phòng, trị các bệnh của động vật thủy sản.

1. Tắm cho vật nuôi

Cách này thường dùng thuốc với nồng độ cao, trong một thể tích nhỏ và thời gian ngắn (có thể 10 phút, 20 phút ...). Cách làm: thu gom động vật thủy sản vào trong một bể có thể tích nhỏ, pha thuốc hoặc hóa chất có nồng độ cao, tắm nhanh cho động vật thủy sản để trị các sinh vật gây bệnh bên ngoài cơ thể. 

Phương pháp này có ưu điểm là tốn ít thuốc, không ảnh hưởng đến sinh vật phù du là thức ăn của động vật thủy sản trong thủy vực; thích hợp  lúc chuyển cá, tôm từ ao này qua nuôi ao khác, vận chuyển đi xa hoặc con giống trước khi thả nuôi thương phẩm.

2. Phun thuốc vào lồng, ao nuôi

Dùng thuốc phun trực tiếp vào lồng, xuống ao nuôi với nồng độ thuốc thấp, song thời gian tác dụng của thuốc dài. Cách này này tuy tốn thuốc nhưng tiện lợi, dễ tiến hành, trị bệnh kịp thời.

Phun thuốc vào lồng, ao có thể tiêu diệt sinh vật gây bệnh ở các cơ quan bên ngoài của động vật thủy sản và sinh vật gây bệnh tồn tại trong thủy vực. Thuốc dùng tương tự như tắm nhưng nồng độ giảm đi khoảng 10 lần.

3. Treo túi thuốc

Phương pháp này thường dùng với các loại thuốc sát trùng có khả năng hòa tan trong nước. Một lượng thuốc nhất định được đựng trong một túi, chất lượng của túi cho phép các phân tử thuốc sau khi đã hòa tan có thể đi qua và vào môi trường nước.

Treo túi thuốc thích hợp để phòng bệnh và trị bệnh lúc mới phát sinh; thường được áp dụng trong hình thức nuôi lồng bè. Túi thuốc được treo ở góc lồng, đầu dòng chảy... Cách này có ưu điểm là tiết kiệm thuốc, thao tác đơn giản, động vật ít bị ảnh hưởng bởi thuốc.

Cần dùng lượng thuốc sao cho nồng độ thuốc đạt yêu cầu, duy trì trong 2 - 3 giờ và treo liên tục trong vòng 3 ngày.

4. Dùng thuốc bôi trực tiếp

Động vật thủy sản bị nhiễm một số bệnh ngoài cơ thể thường dùng thuốc có nồng độ cao bôi trực tiếp vào vết loét để giết chết sinh vật gây bệnh như: bệnh đốm đỏ, bệnh lở loét, bệnh do trùng mỏ neo, giun tròn ký sinh.

Phương pháp này có thể dùng lúc đánh bắt cá bố mẹ để kiểm tra hay cho đẻ, hoặc phòng trị bệnh lở loét nhiễm trùng cho baba. Ưu điểm tốn ít thuốc, độ an toàn lớn, thuận lợi và ít ảnh hưởng đến vật nuôi.

5. Trộn thuốc vào thức ăn

Dùng thuốc trộn vào thức ăn, sau đó cho động vật thủy sản ăn theo các liều lượng. Thuốc được tính theo hai cách: lượng thuốc g/kg thức ăn hoặc lượng thuốc g/kg khối lượng cơ thể vật nuôi. Đây là phương pháp phổ biến thường dùng trong nuôi trồng thủy sản; dùng trị các bệnh do các sinh vật ký sinh bên trong cơ thể động vật thủy sản.

Nhược điểm là khi cho thức ăn có thuốc xuống ao, một phần thuốc sẽ bị phân tán ra ngoài môi trường nước, những con bệnh nặng, yếu đã bỏ ăn không sử dụng được thuốc; ngược lại những con khỏe thì ăn lượng thuốc nhiều hơn cần thiết

6. Tiêm thuốc

Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào xoang bụng hoặc cơ của cá và các động vật thủy sản kích thước lớn.

Phương pháp này liều lượng chính xác, thuốc hấp thu dễ nên tác dụng nhanh. Thường chỉ dùng biện pháp tiêm để chữa bệnh cho cá bố mẹ, hay những lúc cá bị bệnh nặng với số lượng không nhiều, hoặc một số loài động vật thủy sản quý hiếm.

* Nguyên tắc sử dụng sử dụng thuốc trong nuôi trồng thủy sản để tránh rủi ro, đảm bảo ATTP.

 - Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Đây là nguyên tắc rất quan trọng, vì khi xác định chính xác tác nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị hiệu quả, ít tốn kém chi phí và thời gian.

- Nên thử điều trị với liều lượng thấp trong diện tích nhỏ trước khi điều trị toàn bộ. Điều này nhằm làm giảm đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra do việc tính nhầm liều lượng sử dụng.

- Không nên cho tôm, cá ăn 24 giờ trước khi điều trị là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, giảm sốc cho đối tượng nuôi.

- Nên sử dụng thuốc vào những thời điểm tôm, cá ít bị sốc nhất trong ngày, thông thường là vào buổi sáng; thời điểm thích hợp nhất là khoảng từ 7 - 8 giờ.

- Nên hạ thấp mức nước trước khi điều trị. Điều này giúp làm giảm số lượng thuốc cần dùng, và có thể dễ dàng cung cấp thêm nước để làm giảm nồng độ thuốc khi cần thiết.

- Lưu ý đến khả năng xảy ra những phản ứng có hại. Trong trường hợp này cần ngừng việc điều trị; tiến hành cấp nước mới hoặc thay nước nhanh chóng, bật hệ thống quạt nước (nếu có).

(Theo báo Nghệ An)

 

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục