Tạo “giấy thông hành” cho thủy sản vươn xa

Tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả khả quan trong xuất khẩu những năm gần đây cho thấy ngành tôm và cá tra vẫn trên đà tăng tốc phát triển.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe, trong khi điều kiện để đáp ứng yêu cầu này là cấp mã số vùng nuôi lại rất khiêm tốn.

Vướng mắc do đâu?

Theo Tổng cục Thủy sản, từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, đã có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở từ 0 đến 22% được giảm về 0%, trong đó các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh được giảm từ mức đang áp dụng là 4,2% về 0%. Hiệp định là cơ hội tốt để đưa hàng hóa vào thị trường tiềm năng với hơn 500 triệu dân, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Tạo “giấy thông hành” cho thủy sản vươn xa
 Thu hoạch tôm tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Cơ hội mà các hiệp định này mang lại với riêng ngành thủy sản đã được chỉ ra rất nhiều, nhưng để nắm bắt được là điều không dễ. Nếu trước đây các nhà nhập khẩu chỉ yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, thì nay còn đòi hỏi chi tiết đến tận vùng nuôi, ao nuôi. Để đáp ứng yêu cầu trên, người nuôi thủy sản phải thực hiện việc đăng ký, đánh mã số ao nuôi, vùng nuôi.

Trên thực tế, việc đăng ký vùng nuôi, đánh mã số ao nuôi đã được triển khai từ lâu. Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã nêu rất rõ vai trò của địa phương về công tác cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Nhưng đến nay việc triển khai vẫn tiến hành rất chậm. Theo thống kê từ Tổng cục Thủy sản, riêng khu vực ĐBSCL có 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký và cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, đến nay 8 tỉnh ven biển ĐBSCL có nuôi tôm nước lợ mới cấp được 1.790 cơ sở. Đối với cá tra, việc cấp mã số vùng nuôi được thực hiện tốt hơn. Song đến nay cũng mới có 1.206/6.500 ao nuôi trong toàn vùng được cấp mã số cơ sở nuôi.

Được đánh giá là địa phương làm khá tốt công tác này, nhưng Sóc Trăng cũng chỉ mới cấp mã số cơ sở nuôi cho 3.500/39.990 cơ sở thuộc diện cấp mã số cơ sở nuôi; Bạc Liêu cấp 297 cơ sở. Ngoài hai tỉnh điển hình trên, ĐBSCL còn 6 tỉnh khác có nuôi tôm nước lợ đều đạt tỷ lệ cấp mã số cơ sở nuôi rất thấp, thậm chí Long An diện tích thả nuôi tôm nước lợ đến nay là 4.599ha, nhưng chưa cấp được mã số cho cơ sở nào.

Tạo “giấy thông hành” cho thủy sản vươn xa
Phần lớn các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ nên khó khăn trong việc cấp mã số vùng nuôi. 

Xác định đối tượng thủy sản chủ lực là cá tra, thời gian qua, TP Cần Thơ đã cấp 216/250 cơ sở nuôi cá tra. Chia sẻ những nguyên nhân làm chậm việc cấp mã số vùng nuôi, ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết: “Phần lớn hộ nuôi cá tra đều nuôi trong diện tích bãi bồi. Việc này phải có hợp đồng thuê của doanh nghiệp hoặc là người nuôi với cơ quan có thẩm quyền nhưng phần lớn là chưa thực hiện. Việc cấp mã số ao nuôi và cấp phép lồng bè còn phụ thuộc vào công tác cấp giấy sở hữu, cho thuê của Sở Tài nguyên và Môi trường nên chưa chủ động về tiến độ”.

Là doanh nghiệp gắn bó nhiều năm với con tôm, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), việc chậm cấp mã số vùng nuôi có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. “Để cấp mã số cơ sở nuôi đòi hỏi thủ tục cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính chủ, có chức năng nuôi trồng thủy sản hoặc có hợp đồng thuê dài hạn. Giấy tờ về đất của các hộ nuôi tôm đang nằm ở ngân hàng, nhất là giai đoạn tôm bị dịch bệnh nghiêm trọng (2010-2015), cha mẹ chia cho con chưa tách thửa, đất chưa chuyển mục đích sử dụng qua nuôi trồng dù đã có chủ trương chung... là rào cản chủ quan. Ý thức các hộ nuôi dù có đủ điều kiện đăng ký nhưng không tích cực đăng ký vì các chủ hộ nuôi này không thấy quyền lợi của mình và phải làm thủ tục ở trung tâm hành chính công thì quá xa xôi... coi như là lý do khách quan”, ông Lực phân tích.

Một trong những khó khăn nữa là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân còn chậm và chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số trong khi một số địa phương có cơ sở nuôi ở địa bàn xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số (cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh) nên khó khăn khi thực hiện nộp hồ sơ....

Tháo gỡ khó khăn, tạo đà tăng tốc

Để xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đơn vị đã và đang nỗ lực triển khai một số nội dung như: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, cấp giấy xác nhận mã số trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nuôi nắm được các quy định và tự giác thực hiện. Giới thiệu các địa phương có mô hình hay, kinh nghiệm tốt như Sóc Trăng, Quảng Ninh... để các địa phương khác học tập, nhân rộng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đăng ký nuôi trồng thủy sản. Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định về hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP cho phù hợp.

Ở góc độ địa phương, bà Quách Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đơn vị sẽ phối hợp với UBND các cấp tiến hành hướng dẫn thủ tục đăng ký và cấp mã số cơ sở vùng nuôi ngay tại xã cho các hộ nuôi tôm. Hình thức giống như cấp căn cước công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ nuôi đến và đăng ký”.

Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc giúp đẩy nhanh việc cấp mã số vùng nuôi, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, địa phương có thể cho các chủ cơ sở nuôi tôm “nợ” một số thủ tục về giấy tờ đất, đồng thời các cơ quan chức năng liên quan sẽ hỗ trợ tích cực để hoàn thiện bổ sung thủ tục đó. “Ý thức hộ nuôi về trách nhiệm của mình không chỉ qua tuyên truyền suông. Khi cấp mã số thành công, doanh nghiệp cũng hưởng lợi không nhỏ. Vì thế các doanh nghiệp chế biến nên chung tay với ngành để tháo gỡ khó khăn bằng cách khi thu mua tôm doanh nghiệp có thể thưởng thêm trong giá mua tại các cơ sở nuôi đã được cấp mã số, còn các hộ nuôi chưa có mã số thì bán vào các thị trường nhỏ lẻ sẽ được mua với giá thấp hơn”, ông Lực đề xuất.

Con tôm và cá tra - sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL đang đứng trước thời cơ tăng tốc. Tuy nhiên, để bảo đảm sự phát triển bền vững, cần có sự chuẩn bị đồng bộ, trong đó, một yếu tố quan trọng là truy xuất nguồn gốc. Việc này gắn liền với công tác cấp mã số cơ sở nuôi. Tất cả đang trông chờ ở cơ quan chức năng. Rõ ràng là chuyện quá khó, nhưng không thể chậm trễ.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục