Ngành hàng xuất khẩu đang gặp khó với thị trường và room tín dụng

Đây là ý kiến chia sẻ của nhiều doanh nghiệp tại Hội thảo “Xuất khẩu vào các thị trường FTA – Giải bài toán phát triển bền vững” vừa được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.

Chú thích ảnh

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Sadaco, tình hình hiện nay cực kỳ căng thẳng đối với các ngành hàng xuất khẩu. Sức tiêu thụ của thị trường truyền thống giảm sút rất nghiêm trọng, các đơn hàng giảm trên dưới 50% và còn có thể giảm tiếp. Những đơn hàng không có trong quý I và II năm 2023 sẽ biểu hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Vấn đề nữa là nội lực của chúng ta hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đang bị tắc nghẽn dòng tiền.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cũng cho rằng, không chỉ riêng ngành rau củ quả của Việt Nam, mà đối với các ngành hàng xuất khẩu khác, cái khó nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay đó chính là vấn đề dòng tiền. Thiếu dòng tiền, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị “nghẽn” lại.

"Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng khi dòng tiền được lưu thông thì công tác xuất khẩu sẽ phát triển thuận lợi hơn", ông Tùng cho biết.

Với ngành thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng chia sẻ rằng, ngành thủy sản đang có 3 khó khăn lớn là về tín dụng, xúc tiến thương mại và quỹ đất cho nuôi trồng. Cụ thể, với ngành thủy sản, chỉ khoảng 60% doanh nghiệp được giải ngân tín dụng. Trong quý IV, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không được giải ngân, không có đơn hàng. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn vốn.

Về xúc tiến thương mại, để có thông tin thị trường doanh nghiệp, ngành hàng cần xây dựng mối quan hệ sâu sắc với các tham tán thương mại.

Ngoài ra, ngành cũng cần có quỹ đất lớn cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Với ngành thủy sản, khi tham gia các FTA, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng, hiện nay thủy sản 60% là nuôi trồng, nhưng quỹ đất cho việc phát triển rất hạn chế.

"Với đánh bắt thì chúng ta đang vướng vào IUU, do vậy chúng tôi cũng mong Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp gỡ được thẻ vàng trong năm 2023", bà Lan cho biết thêm.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), trong 8 tháng đầu năm 2022, các sản phẩm xuất khẩu của ngành đều tăng trưởng từ 25 - 40%, đây là điều rất thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành đang gặp 2 khó khăn lớn.

Thứ nhất, việc doanh nghiệp tự đi mở thị trường hoặc xúc tiến thương mại thì rất giới hạn, nên Hiệp hội đề xuất các đơn vị thực hiện nhiều hơn các chương trình xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài. Nếu làm tốt công tác này, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu tốt hơn nữa.

Thứ hai, với ngành lương thực thực phẩm, thời điểm này phải dự trữ rất nhiều nguyên vật liệu sản xuất trong nước. Với các đơn hàng xuất khẩu cũng phải chuẩn bị nguyên liệu, nhưng hiện tại room tín dụng bị cắt hoặc siết khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

Bà Chi cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta cần phải hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại và phải nới room tín dụng. Việc không bắt nhịp được thị trường khiến doanh nghiệp bị lỡ mất nhiều đơn hàng. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nghiên cứu sâu thị trường, nghiên cứu tiêu chuẩn thị trường, thay đổi mẫu mã theo nhu cầu.

Đồng tình với ý kiến của bà Chi, ông Mạnh cho rằng, việc thông tin cụ thể các hiệp định thương mại tới từng ngành hàng rất quan trọng. Ngành đồ gỗ đang muốn thâm nhập vào Canada và cần những thông tin về thị trường này. Những thông tin cụ thể chứ không chung chung.

“Trước đây ngành gỗ có nhiều hội chợ, triển lãm và Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chuyến giao thương thành công. Tuy nhiên, gần đây, nhiều chương trình đã bị tạm ngưng. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần mở lại những hội chợ này, thường xuyên tổ chức các cuộc giao thương nước ngoài”, ông Mạnh đề nghị.

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, nhìn chung xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp…, mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thị trường này đang có nhiều biến động phức tạp, bất ổn địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng. Kinh tế EU tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao kỷ lục... Theo Dự báo kinh tế mùa Thu năm 2022 của EU, GDP năm 2023 dự kiến chỉ tăng khoảng 0,3%, giảm mạnh so với mức dự báo 1,5% trong Dự báo kinh tế mùa hè năm 2022.

EU cũng tăng cường áp dụng các biện pháp phi thuế quan: Siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành; Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định của EU (kiểm tra tại cửa khẩu, truy xuất nguồn gốc…); Gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững…

“Một số đề xuất quy định mới đáng chú ý gần đây là Cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới (CBAM), Dự luật ngăn chặn phá rừng COM(2021)706, gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn…”, bà Hiền nhấn mạnh.

Bảo Ngọc (Theo Đầu tư Chứng khoán)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục