7 tác động bất lợi của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Nội dung dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi không những không bảo vệ được quyền lợi của người lao động như mục tiêu muốn có mà lại có tác động ngược, trái với kinh tế thị trường, là rào cản và ngáng chân sản xuất kinh doanh…

Đó là phần tổng hợp các ý kiến nói về nội dung dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, được đưa ra tại Hội thảo “Dự thảo Bộ luật Lao động: Những tác động bất lợi tới nền kinh tế” diễn ra sáng 18/ 9/2019, tại Hà Nội.

Tựu chung các ý kiến đề nghị không thay đổi về trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn...

Một đại biểu nêu ví dụ, chỉ riêng với trường hợp Tập đoàn Samsung tại Việt Nam quản lý hàng trăm nghìn lao động, nhưng với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm như dự thảo có thể khiến một tháng Samsung mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất.

Khi áp lực quá lớn từ những quy định đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi doanh nghiệp cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động.

Năng suất lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang ở thứ hạng thấp, nếu theo nội dung dự thảo thì sẽ tạo ra động cơ cho người lao động cố tình giảm năng suất để kéo dài giờ làm thêm. Hơn nữa, dự thảo này đang loại rất nhiều người lao động ra khỏi diện chịu tác động của luật, như vậy có thể có tới 50-60% lực lượng lao động không được luật này bảo vệ, theo PGS-TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động phát biểu: Các quy định về kỷ luật lao động, sa thải lao động, các quy định về tập nghề, sử dụng lao động thuê lại… trong dự thảo đang tạo ra rất nhiều điểm mờ, tạo khoảng trống cho pháp luật, đẩy doanh nghiệp vào rủi ro phạm luật.

Cũng đồng tình với ý kiến này, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, cứ như dự thảo thì doanh nghiệp bất lợi, không đảm bảo gì hơn cho người lao động và chỉ thanh tra lao động là có lợi vì đụng đến đâu là ở đó có sai.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, mạnh mẽ phát biểu rằng nếu với những nội dung như dự thảo này được Quốc hội thông qua và ban hành thì Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ trở thành quán quân gây tổn hại cho quốc gia.

Đáng chú ý, 7 tác động bất lợi cho đã được tổng hợp lại và nêu tại Hội thảo.

Thứ nhất, làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Thứ hai, làm sụt giảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Thứ ba, làm cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế trở nên kém hoặc không giá trị khi các doanh nghiệp Việt Nam bị các bên đối tác đánh giá chấm điểm trượt ngay trên sân nhà. Thứ tư, làm cho những nỗ lực của Nhà nước hướng tới đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể trở nên kém cạnh tranh. Thứ năm, còn nhiều “điểm mờ” sẽ có thể trở thành rào cản, gây ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, tác động bất lợi thứ sáu là Bộ luật có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam) chưa đáp ứng được các yêu cầu của Bộ luật Lao động mới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng, tác động bất lợi thứ bảy là có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động bên cạnh những rủi ro mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện liên quan đến thị trường, hàng hóa (nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, làm dịch vụ các hàng hóa mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống…). Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Theo các đại biểu, dù qua nhiều lần tiếp thu và chỉnh sửa, bản dự thảo phiên bản mới nhất của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (ngày 1/8/2019) vẫn chưa có được sự đồng thuận từ phía người sử dụng lao động và các chuyên gia. Vì vậy, dự thảo cần phải được xem xét, sửa đổi, bổ sung với một sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chính thức được trình tại Quốc hội để được thông qua vào tháng 10/2019.

(Theo thoibaonganhang)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục