Quảng Bình có lợi thế phát triển nghề khai thác xa bờ với các đối tượng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời, xây dựng và phát triển hiệu quả mô hình chuỗi liên kết trực tiếp từ ngư dân nhằm tạo ra nguồn cung ứng bền vững các sản phẩm thủy hải sản phục vụ cho hoạt động xuất khẩu…
Sau hơn 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển, hoạt động chế biến thủy hải sản xuất khẩu của tỉnh Quảng Bình sôi động trở lại. Tại cơ sở của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ (TMDV) Chung Thảo ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch), hoạt động sơ chế, đóng thùng các sản phẩm thủy hải sản để cung cấp cho phía đối tác diễn ra khẩn trương, nền nếp.
Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân tự đứng ra xây dựng chuỗi liên kết thủy hải sản cho thu nhập ổn định, hiệu quả từ nhiều năm qua.
Theo anh Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chung Thảo, từ một cơ sở thu mua thủy hải sản nhỏ lẻ, chuyên thu mua sản phẩm đánh bắt của các tàu cá địa phương cập cảng Gianh, sau nhiều năm hoạt động có uy tín, cơ sở đã xây dựng được hệ thống đầu mối cung cấp và tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản ổn định. Năm 2012, anh Nguyễn Văn Chung thành lập Công ty và bắt đầu tìm kiếm thị trường nước ngoài cho sản phẩm thủy hải sản.
Hiện tại, Công ty đã xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu đánh bắt, thu mua, sơ chế thô và xuất bán trực tiếp cho phía đối tác nước ngoài, chủ yếu là thị trường Trung Quốc thông qua đường xuất khẩu tiểu ngạch.
Bình quân, mỗi tháng, Công ty thu mua và xuất bán khoảng 200-250 tấn thủy hải sản các loại, chủ yếu là cá hố, cá thu, cá ngừ, mực…; doanh thu mỗi tháng ước đạt 400 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương.
Đứng chân trên địa bàn huyện Bố Trạch, Công ty CP Thủy sản Năm Sao hiện là một trong những doanh nghiệp có thế mạnh trong hoạt động thu mua, chế biến sản phẩm xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài.
Anh Phạm Bá Khương, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Năm Sao cho biết, mặt hàng thu mua chế biến và xuất khẩu của Công ty chủ yếu là cá, tôm, mực, sản lượng thu mua vài trăm tấn mỗi năm; tùy theo từng đơn hàng cụ thể, đơn vị yêu cầu truy xuất nguồn gốc nuôi hoặc đánh bắt. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của Công ty là Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, nên yêu cầu về chất lượng cũng như nguồn gốc khai thác khá khắt khe.
Do đó, dù không xây dựng liên kết chuỗi thu mua từ tàu cá, nhưng doanh nghiệp luôn yêu cầu chủ tàu thực hiện việc cung cấp hồ sơ về nguồn gốc thủy hải sản khai thác; đồng thời, chỉ thực hiện thu mua sản phẩm đối với tàu cá được cơ quan chức năng công nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ đó, chất lượng hàng hóa thủy sản xuất khẩu của Công ty luôn được phía đối tác đánh giá cao.
Theo đánh giá, Quảng Bình là địa phương có tiềm năng về khai thác thủy hải sản, trong đó thế mạnh về các sản phẩm phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản với các sản phẩm đông lạnh, thủy sản khô, sản phẩm mắm, ruốc… với hương vị đặc trưng được xem là đặc sản được người tiêu dùng yêu thích, nhờ đó mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương.
Với những lợi thế đó, những năm gần đây, tỉnh đã có chủ trương, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư liên kết chuỗi sản xuất kinh doanh nông thủy hải sản an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Là cơ sở thu mua, sơ chế, kinh doanh các sản phẩm thủy hải sản được truyền nghề qua nhiều thế hệ, từ những đòi hỏi thực tiễn, năm 2017, Công ty TNHH DVTM Thanh Quang (Bố Trạch) đã thực hiện liên kết với các chủ tàu cá xây dựng chuỗi liên kết thu mua, cung ứng sản phẩm thủy hải sản an toàn với các sản phẩm chủ lực, như: cá thu, cá hồng, cá nục, mực ống...
Sản phẩm thủy hải sản tại đây được cung cấp từ các tàu cá đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được đưa qua sơ chế, đóng gói tại điểm sơ chế đã được chứng nhận HACCP, sau đó được cấp đông tại hệ thống nhà lạnh của Công ty trước khi cung cấp ra thị trường.
Với hệ thống chuỗi an toàn được chứng nhận, sản phẩm của Công ty có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần thiết, góp phần tăng sức cạnh tranh cũng như giá trị sản phẩm. Việc Công ty TNHH DVTM Thanh Quang xây dựng chuỗi liên kết khép kín vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có những tác động tích cực đến xã hội, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm thủy hải sản ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu, góp phần phát triển nghề thủy hải sản của địa phương.
Có thể nói, việc xây dựng chuỗi liên kết cung cấp thủy hải sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như an sinh xã hội, là hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp nói riêng và của tỉnh nhà nói chung.
Sự phát triển của các doanh nghiệp đã từng bước đưa thương hiệu sản phẩm thủy hải sản của địa phương giới thiệu đến thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển nghề thủy hải sản Quảng Bình với quy mô ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
(Theo báo Quảng Bình)