Vùng ven biển Kim Sơn sẽ là trung tâm sản xuất hàu giống

Với lợi thế trời ban, vùng ven biển Kim Sơn đang trở thành trung tâm sản xuất hàu giống, với chất lượng vượt trội so với hàu giống nhập từ Trung Quốc.

Ngày 29/8, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc UBND tỉnh Ninh Bình để kiểm tra tình hình triển khai khuyến nghị của EC về chống khai thác (IUU), việc đầu tư hạ tầng thủy sản, công tác phòng chống dịch bệnh động vật, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng thần tốc

Đoàn công tác đã đến thăm mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Đông (huyện Kim Sơn); mô hình chăn nuôi lợn, gà hữu cơ- Công ty S-Gadern (Gia Hòa) và vùng nuôi thủy sản thâm canh (Gia Vượng) tại huyện Gia Viễn.

Ông Vũ Nam Tiến – Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình, chia sẻ: Những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng trưởng thần tốc, từ 1.900ha năm 2015 lên 14.000 ha năm 2020, giá trị ước đạt gần 1.700 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại các diện tích vùng trũng, trồng lúa kém hiệu quả đã được bà con đắp ao nổi để nuôi trồng thủy sản (điển hình như huyện Gia Viễn chuyển đổi trên 2.000 ha, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, năng suất từ 30 – 50 tấn/ha, doanh thu từ 1,5 đến 3 tỷ đồng/ha.

Cũng theo ông Vũ Nam Tiến, nhiều nông dân đã mạnh dạn dứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng nuôi thủy sản nước mặn, lợ có lợi thế, có thị trường. Trong đó, có mô hình đã nuôi được tôm thâm canh, siêu thâm canh 3 vụ/năm trong nhà lưới, doanh thu lên tới 8 – 10 tỷ đồng/ha.

Hiện vùng ven biển Kim Sơn có trên 200 trại sản xuất hàu giống. Ảnh: Anh Tuấn.

Hiện vùng ven biển Kim Sơn có trên 200 trại sản xuất hàu giống.

Nhờ lợi thế “trời ban”, mỗi năm bãi bồi vùng ven biển của huyện Kim Sơn lấn biển hàng trăm mét và rất phù hợp để phát triển sản xuất hàu giống.

“Nếu hàu giống Trung Quốc chỉ đạt tỷ lệ sống khoảng 60% thì giống hàu được sản xuất tại huyện Kim Sơn có thể đạt tỷ lệ sống lên tới 80 – 90%. Do đó, rất nhiều đơn vị từ Quảng Ninh, Hải Phòng… đã đổ về Kim Sơn để đầu tư sản xuất giống loài nhuyễn thể này, với sản lượng khoảng 2,3 tỷ hàu giống/năm”, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình chia sẻ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đánh giá: “Xét về điều kiện tự nhiên, hiện tại chưa có địa phương nào sánh được vùng ven biển Kim Sơn về hiệu quả sản xuất hàu giống. Do đó, cần phải đầu tư một cách xứng tầm để phát huy lợi thế này”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (trái) làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình việc đầu tư hạ tầng thủy sản, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vào sáng 29/8. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (trái) làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình việc đầu tư hạ tầng thủy sản, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vào sáng 29/8.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong phát triển thủy sản ở vùng biển của huyện Kim Sơn, đó là hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ, chưa có hệ thống cấp nước mặn và tiêu nước thải riêng biệt. Do chưa có quy hoạch chi tiết khu vực biển từ tuyến đê Bình Minh 2 trở ra, doanh nghiệp chưa yên tâm để đầu tư lâu dài vào nuôi trồng thủy sản.

Cần 350 tỷ đồng phát triển hạ tầng vùng ven biển Kim Sơn

Để phát triển vùng sản xuất giống thủy sản từ khu vực đê Bình Minh 2 về phía biển, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ NN-PTNT bố trí kinh phí khoảng 350 tỷ đồng đầu tư hạ tầng sản xuất giống, đặc biệt là vùng hạ tầng giống thủy sản ven biển Kim Sơn với kinh phí khoảng 350 tỷ đồng…

Thông qua đó, chủ động sản xuất thủy sản với diện tích khoảng 250ha vùng trong đê Bình Minh 2 và 450ha vùng ngoài đê.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sớm cử đoàn chuyên gia theo các lĩnh vực về phối hợp với tỉnh để rà soát, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp tỉnh về công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh và Hải Phòng đã về vùng ven biển Kim Sơn sản xuất hàu giống. Ảnh: Anh Tuấn.

Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh và Hải Phòng đã về vùng ven biển Kim Sơn sản xuất hàu giống.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Tổng cục Thủy sản hướng dẫn cơ quan chuyên môn của tỉnh xác định hướng đột phá trong nuôi trồng thủy sản, quy hoạch thủy sản vùng ven biển Kim Sơn; tập trung các đề tài nghiên cứu nhân giống con hàu, ngao… quan tâm hỗ trợ tỉnh đầu tư hạ tầng thủy sản cả nước ngọt, mặn lợ và hạ tầng sản xuất giống.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh cao sự phát triển toàn diện của nông nghiệp tỉnh trong thời gian qua, Ninh Bình là một trong những địa phương tiên phong trong việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; triển khai tốt các chính sách pháp luật về thủy sản, chăn nuôi, thú y.

Ông cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình cần quan tâm đến các sản phẩm đặc hữu, đặc sản kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi khép kín, tuần hoàn.

Bên cạnh đó, chú trọng vấn đề liên kết trong sản xuất, nhân rộng các mô hình tốt; tăng cường công nghiệp chế biến, củng cố hệ thống các HTX; có quy chế quản lý, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc giống ngao, hầu; củng cố, tăng cường năng lực của hệ thống thú y cơ sở, chỉ đạo tiêm phòng sát từng đối tượng. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, lấy sản xuất làm đầu.

(Theo NNVN)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục