Vân Đồn (Quảng Ninh): Giám sát an toàn thực phẩm đối với ngao hai cồi và hàu Thái Bình Dương

Đây là một trong những nội dung trong Kế hoạch giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn vừa được UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) ban hành.
Vân Đồn Quảng Ninh Giám sát an toàn thực phẩm đối với ngao hai cồi và hàu Thái Bình Dương
Hàu Thái Bình Dương

Theo Kế hoạch, trong năm 2021, UBND huyện Vân Đồn bố trí 900 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với ngao 2 cồi và hàu Thái Bình Dương dạng sống nguyên con (nguyên vỏ) tại các vùng nuôi, vùng thu hoạch.

Các chỉ tiêu kiểm nghiệm theo yêu cầu của thị trường Đài Loan và các nước nhập khẩu, gồm: Vi sinh vật: E. Coli, Salmonella, Norovirus tần suất lấy mẫu 2 lần/tháng; Độc tố sinh học: gồm độc tố gây tiêu chảy, Độc tố gây liệt cơ và Độc tố gây mất trí nhớ. 6 tháng một lần lấy mẫu xét nghiệm các chỉ số Kim loại nặng: như Chì, Thủy ngân, Cadmium và Thuốc trừ sâu gốc chlor hữu cơ. Tần suất 2 năm/lần lấy mẫu kiểm nghiệm các chất gây ô nhiễm khác.

Căn cứ vào mùa vụ nuôi, thu hoạch để thực hiện lấy mẫu cho phù hợp. Lấy mẫu sản phẩm trước khi thu hoạch 3-7 ngày.

Việc lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát theo Thông tư của Bộ NN&PTNT về “Quy định về giám sát VSATTP trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ”, và Thông tư của Bộ Y tế “Hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP”, lựa chọn lấy mẫu kiểm nghiệm ở những vị trí nuôi nhiều, có nguy cơ mất an toàn cao, có tính chất đại diện và phân bổ đều cho vùng giám sát.

Việc giám sát ATTP đối với ngao hai cồi và hàu Thái Bình Dương nhằm cung cấp thông tin tham chiếu để các vùng thu hoạch ngao hai cồi, hàu Thái Bình Dương phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường Đài Loan và thị trường tương đương.

Cảnh báo về các nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản đặc biệt đối với chỉ tiêu Norovirus và các chỉ tiêu cảnh báo khác của nước nhập khẩu đối với ngao 2 cồi, hàu Thái Bình Dương sống thương phẩm tại vùng thu hoạch được lấy mẫu.

Tạm dừng thu hoạch phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa (đối với sản phẩm hàu ăn sống) khi phát hiện có mẫu hàu bị nhiễm Norovirus và các chỉ tiêu cảnh báo khác của nước nhập khẩu. Góp phần kiểm soát nguy cơ sản phẩm mất ATTP, giảm thiệt hại cho người nuôi, cơ sở chế biến và xuất khẩu. Thực hiện các thủ tục cấp xuất xứ và truy xuất nguồn gốc theo quy định đối với nhuyễn thể 2 mảnh vỏ không đảm bảo ATTP.

UBND huyện cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng ban chức năng có liên quan và UBND các xã thị trấn. Đồng thời yêu cầu chủ các vùng nuôi, vùng thu hoạch, cơ sở thu mua, làm sạch, sơ chế chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình nuôi. Thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp, chủ động thực hiện thu hồi sản phẩm không bảo đảm ATTP và báo cáo kết quả cho cơ quan giám sát.

(Theo Thương hiệu & Công luận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục