Thủy sản Bình Thuận: Khẳng định và vươn xa

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, là một trong những vùng biển được đánh giá giàu về nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam, do đó ngành thủy sản Bình Thuận được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Vùng tôm giống chất lượng

Nhắc đến tôm giống, Bình Thuận từ lâu đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước. Tuy mới hình thành từ năm 1992, nhưng đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 150 cơ sở với trên 650 trại sản xuất tôm giống, trong đó có sự đầu tư của các công ty nước ngoài, công ty trong nước và các doanh nghiệp tư nhân tập trung chính tại 2 khu vực là xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân – huyện Tuy Phong và xã Tiến Thành – TP. Phan Thiết. Mỗi năm các cơ sở này cung cấp cho thị trường trong tỉnh và chủ yếu là khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 20 – 30 tỷ con tôm giống. Chất lượng tôm giống Bình Thuận từ lâu luôn đứng ở vị trí số 1 trên thị trường cả nước.

Ông Phạm Kim Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh cho biết, có được lợi thế ấy, trong các năm qua, ngành thủy sản luôn chú trọng giữ vững chất lượng, uy tín của tôm giống Bình Thuận, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn – hội thảo về công nghệ sản xuất tôm giống chất lượng cao, thực hiện các chương trình thực nghiệm sản xuất tôm giống sạch… Bên cạnh đó, nuôi tôm thương phẩm cũng phát triển không ngừng. Qua công tác khuyến ngư, trình độ nuôi của nông ngư dân cũng tăng lên đáng kể, các hộ nuôi đã có sự đầu tư khá cơ bản về công trình nuôi, kỹ thuật nuôi và trang thiết bị phục vụ nuôi thâm canh, từ đó năng suất và sản lượng tôm nuôi cũng không ngừng tăng lên theo từng năm. Song song với việc chuyển giao, phổ biến kỹ thuật, Trung tâm Khuyến ngư đã xây dựng nhiều mô hình như: Nuôi tôm theo hướng GAP sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm theo công nghệ bán biofloc đã đạt được kết quả rất tốt trong việc giúp phân hủy chất thải ao nuôi, ổn định môi trường; nhất là mô hình nuôi tôm chân trắng có lắp đặt hệ thống máy thổi khí mang lại hiệu quả kinh tế cao năng suất ổn định từ 14 – 15 tấn/ha/vụ. Tạo điều kiện để bà con được tai nghe, mắt thấy và áp dụng hiệu quả hơn vào thực tế sản xuất trên chính ao tôm của mình.

Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ

Bên cạnh việc phát triển tôm giống, Bình Thuận còn có ngư trường rộng lớn với nguồn lợi hải sản phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao đặc biệt là mực và nhuyễn thể, điều kiện khai thác thuận lợi và rất gần bờ. Những năm gần đây, cơ cấu tàu thuyền được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ, tăng nhanh tàu công suất lớn khai thác xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt 200.000 - 210.000 tấn, xếp thứ 3 cả nước.

Đến nay hầu hết các tàu khai thác đã trang bị máy đàm thoại, máy định vị - tầm ngư. Một số nghề như lưới vây, lưới kéo, câu khơi đã được bán cơ giới thay thế dần sức lao động con người. Đặc biệt trong những năm qua việc ứng dụng kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm trên tàu cá đã mang lại hiệu quả đáng kể cho việc khai thác xa bờ, dài ngày và giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện được đời sống. Trong đó, hiệu quả nhất là mô hình chụp mực 4 tăng gông, đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt sau khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời; công suất máy tàu lớn trên 600CV. Các trang thiết bị điện, điện tử hàng hải được đầu tư đồng bộ như máy phát điện công suất lớn, máy định vị, máy dò ngang, thông tin liên lạc tầm xa. Thông qua mô hình, diện tích bao vây đàn cá tăng gấp đôi, năng suất, sản lượng tăng hơn 30%. Hay mô hình ứng dụng máy dò ngang giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, năng suất đánh bắt tăng 150 – 180%. Đặc biệt, mô hình đóng hầm bảo quản sản phẩm thủy sản bằng vật liệu polyurethane, đã được nhân rộng cho toàn bộ đội tàu dịch vụ thu mua hải sản trên biển và mô hình cũng đang ứng dụng nhanh cho đội tàu khai thác hải sản xa bờ trong tỉnh giúp nâng cao giá trị, doanh thu và tăng thu nhập cho người lao động...

Có thể thấy, hơn 20 năm qua công tác khuyến ngư tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành thủy sản, nhất là ở các lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản. Hoạt động khuyến ngư đã chuyển giao nhiều kiến thức mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông ngư dân giúp nâng cao sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản, áp dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất. Từ đó, đời sống của bà con nông ngư dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền biển có nhiều thay đổi, khẳng định vị trí của ngành thủy sản Bình Thuận và góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà.

(Theo báo Bình Thuận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục