Ngày 18/7, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Hội nghề cá Việt Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức “Hội thảo cập nhật tiêu chuẩn MSC cho nghêu và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nghêu tỉnh Tiền Giang’’.
Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững, Ông Lương Đình Lân, điều phối và quản lý dự án Oxfam tại Việt Nam, Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện của Hội nghề cá Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI),Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Chi cục Thủy sản Tiền Giang, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Sản và Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu nghêu và người dân.
Sản xuất và chế biến nghêu là nguồn sinh kế quan trọng, góp phần cải thiện thu nhập và kinh tế cho hàng triệu nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu, vẫn tồn tại nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của ngành nghêu. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nghêu còn lỏng lẻo và thiếu hiệu quả, không đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Chính vì điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng nghêu của Việt Nam trên thế giới.
Từ năm 2009, sản phẩm nghêu tỉnh Bến Tre đã đạt chứng nhận MSC, đây là một thành công lớn giúp sản phẩm nghêu mở rộng được thị trường tiêu thụ sang các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc...Từ đó, giá bản sản phẩm nghêu đạt chứng nhận MSC cũng tăng từ 25 - 30% giúp nâng cao thu nhập cho người nuôi, an ninh, chính trị được đảm bảo và đặc biệt là đưa nghề nuôi nghêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường, sinh thái. Từ những thành công có được của nghề nuôi nghêu tại tỉnh Bến Tre, được sự tài trợ của Liên Minh Châu Âu, tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng phối hợp triển khai dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” tại 03 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh.
Trong những năm qua, ICAFIS đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Oxfam, WB, IUCN, FAO, GIZ,… đã triển khai nhiều dự án phục vụ nuôi trồng và khai thác thủy sản nhằm giúp ngành thủy sản nói chung và người dân hưởng lợi nói riêng phát triển một cách bền vững, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng,…Trong khuôn khổ dự án, ICAFIS phối hợp cùng sở Nông nghiệp &PTNT Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh tổ chức “Hội thảo cập nhật tiêu chuẩn MSC cho nghêu và giải pháp hướng tới chứng nhận trong bối cảnh liên kết chuỗi”. Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao năng lực và hiệu quả kinh doanh của người sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp chế biến theo tiêu chuẩn bền vững, đồng thời thúc đẩy tiếp cận thị trường, môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển chuỗi giá trị nghêu lồng ghép các nguyên tác sản xuất bền vững theo hướng MSC.
Hiện nay, chứng nhận MSC là nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới, các thị trường tiêu thụ sản phẩm trên thế giới đặc biệt quan tâm đến nhãn hiệu này. Trong thời gian tới, chứng nhận MSC sẽ được xem như một giấy thông hành và là điều kiện cần để các doanh nghiệp xuất khẩu nghêu Việt Nam sang các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Chính vì vậy, ngay từ lúc này việc đạt được các chứng nhận MSC sẽ giúp các doanh nghiệp của Việt Nam xây dựng một thương hiệu nghêu đạt chứng nhận để dễ dàng tiếp cận được với các thị trường tiềm năng và có giá trị cao như Châu Âu, Nhật Bản.
Tại Hội thảo, Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) cho biết Hội thảo cũng là nơi để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất và quản lý khai thác bền vững nguồn lợi nghêu giữa các địa phương ven biển với nhau. Hội thảo còn là cầu nối để ngành thủy sản Việt Nam tiếp cận với các thông tin mới về thực trạng khó khăn và cơ hội tiếp cận thị trường để làm cơ sở xây dựng hoàn thiện các hệ thống thể chế chính sách, các giải pháp và mô hình quản lý ngành thủy sản nói chung và nghề nghêu nói riêng tiến đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc thúc đẩy người nuôi và các doanh nghiệp gắn kết theo chuỗi hướng đến chứng nhận MSC sẽ giúp nâng cao vai trò người dân, tăng lợi ích kinh tế, gắn kết bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định phát triển xã hội, ngành hàng.
Một trong những câu hỏi của người nuôi đặt ra cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp chế biến là khi tham gia vào chuỗi liên kết để đạt chứng nhận MSC, người nuôi nghêu được hưởng lợi gì? Liên quan đến vấn đề này, Ông Đinh Xuân Lập cho biết, hiện nay, các sản phẩm đạt chứng nhận MSC sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường khó tính, từ đó sẽ nâng cao được giá trị gia tăng, giúp người dân, doanh nghiệp có đầu ra ổn định. Thực tế cho thấy, so sánh với các sản phẩm chưa đạt được chứng nhận MSC thì giá trị các sản phẩm đạt chứng nhận MSC tăng hơn 30-50%. Ngoài ra, trong xu thế tiêu dùng hiện nay, chứng nhận MSC sẽ là điều kiện để tiếp cận với hơn 100 thị trường tiềm năng trên thế giới. Bên cạnh đó, hiện nay dư địa cho phát triển thị trường đối với sản phẩm nghêu còn rất lớn, vì vậy, để nắm lấy cơ hội để mở rộng thị trường ngay từ bây giờ cần xây dựng nhãn hiệu sinh thái cho sản phẩm nghêu Việt Nam từ chuỗi trang trại đến bàn ăn đạt chứng nhận MSC để nắm lấy cơ hội để mở rộng thị trường.
Tại Hội thảo, Bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre nêu ra những kinh nghiệm của Bến Tre trong phát triển nuôi nghêu, Bà Nga cho rằng trước đây người dân tỉnh Bến Tre nói chung và các tỉnh khác nói riêng quan niệm nghêu là của trời cho nên trên bãi nghêu xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng, nào cướp nghêu, đánh nhau, tranh giành. Bà Nga cho rằng, chứng nhận MSC không phải là chiếc đũa thần giúp con nghêu có giá bán cao, mà cái quan trọng là nó mang lại nguồn lợi bền vững cho cộng đồng người dân sống trên nguồn lợi thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ an sinh xã hội, vấn đề về môi trường sinh thái được bảo vệ một cách bền vững. Đây là một trong những vấn đề được các nước tiêu thụ đặc biệt quan tâm. Chứng nhận MSC sẽ giúp con nghêu Việt Nam có chỗ đứng bền vững trên thị trường, tăng sức cạnh tranh từ đó nâng cao được giá trị.
Tham dự Hội thảo, Ông Phan Văn Sính, người nuôi nghêu tại Gò Công, Tiền Giang cho rằng người dân rất vui mừng và tham gia tích cực trong phát triển chuỗi giá trị nghêu và đưa sản phẩm nghêu đạt chứng nhận MSC. Trong thời gian qua, người dân đã được tập huấn, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn để nắm rõ các quy trình thực hiện để đạt chứng nhận MSC cho con nghêu. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, do người dân hạn chế về năng lực, do tập quán sản xuất nên vấn đề ghi chép sổ sách, nhật ký vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay do biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như phát triển của nghêu. Ông Sính đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu xảy ra, có những cảnh báo về môi trường để người dân nắm rõ để điều tiết sản xuất, thời gian thả giống. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.
Trong thời gian tới, để nghề nuôi nghêu phát triển bền vững cần có sự tham gia chặt chẽ của các khâu trong chuỗi liên kết. Từ đó đưa thương hiệu nghêu của Việt Nam có mặt trên các thị trường trên thế giới. Trong đó, chứng nhận MSC đóng vai trò rất quan trọng, người dân và các doanh nghiệp cần hiểu rõ sự cần thiết của chứng nhận này.
(Theo TCTS)