Nhiều tàu trúng đậm cá ngừ, thu, cờ, chim trắng cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng.
Sau thời gian đánh bắt vùng biển xa bờ trở về, chủ tàu Trần Quốc ở thị trấn Thuận An (Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) hồ hởi: “Chuyến biển này kéo dài vì tận dụng thời tiết thuận lợi, nguồn lợi hải sản lại dồi dào. Sau 10 ngày đánh bắt, tàu của tui “gặt hái” 7 tấn cá thu, chủa, ngừ, chim trắng… doanh thu trên 200 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, xăng dầu, chia bạn thuyền từ 7-10 triệu đồng, còn lãi 100 triệu đồng”.
So với chuyến biển đầu tiên vụ cá Nam năm trước, sản lượng chuyến biển đầu năm nay cao hơn nhiều. Hầu như tàu nào cũng mua sắm đầy đủ các loại ngư lưới cụ, đánh bắt dài ngày, một phần nguồn lợi hải sản vùng xa bờ dồi dào, có tín hiệu phục hồi nhanh chính là lý do chuyến biển này trúng đậm.
Giá cả hải sản ổn định, tăng đáng kể so với trước. Thương lái Trần Thị Hoa ở thị trấn Thuận An chia sẻ: Kinh doanh, buôn bán ai cũng muốn kiếm lời, thậm chí lãi cao. Tuy nhiên không vì thế mà chúng tui lại ép giá hải sản của ngư dân mà luôn hướng đến lợi ích hài hòa giữa ngư dân với lái buôn và thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo “làm ăn” lâu bền.
Theo Sở NN&PTNT, chuyến biển đầu tiên vụ cá Nam năm nay, không chỉ các tàu xa bờ đánh bắt hiệu quả mà các thuyền gần bờ ở các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX. Hương Trà đều “thắng lợi”. Có khoảng 80% trong tổng số 1.950 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ hiệu quả; mỗi thuyền đánh bắt từ vài tạ đến 5 tạ cá nục, cá cơm, trích… thu nhập 1-3 triệu đồng/ngày.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Nguyễn Văn Chính cho rằng, chuyến biển đầu năm thắng lợi là động lực, tạo khí thế cho các chủ tàu, ngư dân yên tâm bám biển. Chuyến biển này, hầu hết các tàu ở Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải... Phú Vang đều đánh bắt từ 5-7 tấn hải sản với tổng sản lượng ước khoảng 500 tấn, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm năm; doanh thu 15 tỷ đồng. Việc yên tâm bám biển không chỉ nâng cao đời sống ngư dân mà còn góp phần quan trọng vào bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương".
Tại huyện Phú Vang, Phú Lộc còn hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ. Các tàu không chỉ đoàn kết, hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn mà còn chia sẻ trong quá trình khai thác hải sản. Trong chuyến biển đầu tiên của vụ cá Nam vừa qua, nhiều chủ tàu phát hiện luồng cá lớn đã thông tin với các tàu khác đến đánh bắt. Đây cũng là một trong những lý do hầu hết các tàu đều đánh bắt hiệu quả, sản lượng khá lớn.
Ngư dân đầu tư hầm bảo quản khá hiện đại, hải sản được ướp đá đông lạnh, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ các loại hóa chất nào nên bán được giá. Giá cả hải sản trong những ngày đầu năm đến nay rất ổn định. Trước khi tàu vào gần bờ, các chủ tàu liên lạc qua điện thoại di động, hoặc bộ đàm thông báo cho các thương lái đến thu mua. Sản lượng và giá cả cũng được thống nhất từ trước nên không xảy ra tình trạng kỳ kèo, ép giá.
Sở NN&PTNT đánh giá, liên tục các vụ đánh bắt hải sản từ năm 2018 đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, cho thấy nguồn lợi hải sản xa bờ đang có chiều hướng phục hồi tốt. Chuyến biển đầu tiên của vụ cá Nam năm nay đạt sản lượng lớn là tín hiệu vui cho một năm đánh bắt "thắng lợi". Trong chuyến biển này, phần lớn trong số 466 chiếc tàu xa bờ trên địa bàn tỉnh đều mang lại hiệu quả, ước sản lượng hơn 1.000 tấn hải sản, chủ yếu các loại cá có giá trị kinh tế cao như chủa, thu, cờ, ngừ, chim trắng...
(Theo báo Thừa Thiên Huế)