Thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến thủy, hải sản

Theo quy hoạch, đến năm 2020 chế biến thủy, hải sản tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, sản lượng chế biến xuất khẩu phấn đấu đạt khoảng 46.000 tấn, tiêu thụ nội địa 60.000 tấn, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 110 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay, ngành công nghiệp này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu sản xuất.

Toàn tỉnh hiện có 50 doanh nghiệp và hơn 1.300 cơ sở chế biến thủy, hải sản đang hoạt động... với các sản phẩm chính, như: Nước mắm, ngao, tôm, mực, cá đông lạnh, chả cá surimi, bột cá xuất khẩu... Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến thủy, hải sản đều hoạt động ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, công nghệ sản xuất lạc hậu nên chủ yếu thực hiện sơ chế, cấp đông, gia công nguyên liệu, giá trị sản phẩm không cao. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến không ổn định. Toàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến, chưa hình thành được các trung tâm chế biến thủy sản. Sản lượng chế biến thủy sản đông lạnh toàn tỉnh hàng năm mới đạt khoảng 37 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Huyện Tĩnh Gia hiện có 46 doanh nghiệp, 450 cơ sở chế biến thủy sản... Trong số đó có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản với công suất lớn, như: Công ty CP Thương mại vận tải chế biến hải sản TNHH Long Hải, Công ty CP Chế biến thủy sản Thanh Hoa, Công ty TNHH Đại Hải, Công ty CP Nước mắm Thanh Hương, Công ty TNHH Sông Việt... Sản phẩm của nhiều doanh nghiệp đã đạt các tiêu chuẩn khắt khe nhất để có thể xuất khẩu vào thị trường EU, Hoa Kỳ. Nhiều loại hàng hóa hải sản chất lượng cao như sứa khô, chả cá, cá hấp, mực khô lột da... được xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 20 triệu USD mỗi năm. Nhiều mặt hàng hải sản thành phẩm khác, trong đó có nước mắm Do Xuyên - Ba Làng được đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa... Tổng nhu cầu hải sản đầu vào mỗi năm của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến khoảng 200.000 tấn. Tuy nhiên, hiện tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu đầu vào của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến đóng trên địa bàn.

Nhà máy của Công ty TNHH Sông Việt đóng trên địa bàn huyện Tĩnh Gia. Để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty đã đầu tư đội dịch vụ hậu cần nghề cá gồm 65 tàu cá để thu mua nguyên liệu tại các vùng biển trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng hải sản doanh nghiệp thu mua chỉ đáp ứng được hơn 20% công suất hoạt động của nhà máy. Việc thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến cơ sở hoạt động cầm chừng, không đủ đơn hàng cho khách khiến doanh thu của công ty giảm, lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Công ty CP Thương mại vận tải chế biến hải sản TNHH Long Hải, ở xã Hải Bình (Tĩnh Gia) là doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản lớn nhất trên địa bàn, với các sản phẩm chủ đạo là chả cá, bột cá, cá phi lê xuất khẩu. Công ty hiện đang có nhà máy chế biến chả cá surimi để xuất khẩu đi thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc với nhu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào khoảng hơn 45 tấn cá/ngày. Trong những năm qua, để bảo đảm sản xuất, doanh nghiệp đã hỗ trợ cho ngư dân vay đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn; đồng thời đầu tư tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất 800 CV để thực hiện công tác hậu cần nghề cá và thu gom cá của ngư dân ngay trên biển. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất tại doanh nghiệp vẫn thường xuyên xảy ra.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng các nhà máy, cơ sở chế biến thiếu nguyên liệu do nhiều nguyên nhân, như: Tình trạng bồi lắng, xuống cấp của các cảng cá trên địa bàn, các luồng lạch cũng như nơi neo đậu tàu thuyền đã bị bồi lấp nhưng không được quan tâm đầu tư khiến nhiều tàu cá có công suất lớn gặp khó khăn khi cập cảng. Thêm nữa, hiện nay các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển phát triển khá nhanh, nhiều tàu tại một số địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng đã ra tận ngư trường đánh bắt để thu mua hải sản. Việc bán hải sản ngay trên biển sẽ giảm được chi phí bảo quản, lại giúp ngư dân bám biển được dài ngày hơn nên nhiều chủ tàu đã chọn phương án bán tại chỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến thủy, hải sản chỉ quan tâm đến việc thu mua nguồn nguyên liệu sẵn có, chứ chưa hợp tác với chính quyền, người dân để tổ chức hoặc chuyển giao quy trình kỹ thuật, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.

Để nâng cao năng lực chế biến thủy, hải sản, Chính phủ, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tăng cường đóng mới tàu có công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng để ngư dân yên tâm bám biển, khai thác hải sản. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hệ thống hậu cần nghề cá, xây dựng chợ đầu mối để quản lý tốt nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy, hải sản. Tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là việc kiểm tra, kiểm soát sử dụng hóa chất kháng sinh trong bảo quản, sơ chế thủy, hải sản tại các cơ sở nuôi, tàu cá, cơ sở thu mua, sơ chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến thủy, hải sản cũng cần đầu tư nâng cấp hạ tầng và các giải pháp kỹ thuật để giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, đáp ứng yêu cầu về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản.

(Theo báo Thanh Hóa)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục