Sản xuất thành công giống cua biển bản địa ở Trà Vinh

Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh đầu tư Dự án 'Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển', bước đầu đề tài nghiên cứu này cho kết quả khả quan để chuyển đổi sản xuất.

Tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) gây nhiều bất lợi trong sản xuất như: xâm nhập mặn, khô hạn, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng vật nuôi cũng như đời sống của người dân. Việc nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thích ứng với BĐKH luôn được các nhà khoa học đặt lên hàng đầu.

Trong lĩnh vực thủy sản, ngoài hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, những năm gần đây, đối tượng cua biển được người dân vùng ven biển Trà Vinh phát triển nuôi theo hình thức xen canh. Bà con nông dân tập trung thả nuôi trong các vuông tôm, rừng - tôm và nguồn cua biển giống chủ yếu bắt ngoài tự nhiên.

Sản xuất thành công giống cua biển bản địa ở Trà Vinh
Đề tài sản xuất giống cua biển do Sở KH-CN Trà Vinh chủ trì.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn cua giống ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm và chất lượng không cao. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển nhân rộng diện tích nuôi cua biển theo hình thức xen canh.

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, năm 2020 toàn tỉnh có 23.500 ha diện tích nuôi cua biển xen canh, đạt sản lượng 7.012 tấn. Từ đầu năm đến nay đã có trên 10.000 lượt hộ thả nuôi diện tích trên 12.000 ha với trên 73 triệu con giống và thu hoạch 1.425 tấn. Đây cũng là một trong số các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao của người dân vùng ven biển Trà Vinh.

Để giúp người nuôi tiếp cận được con giống chất lượng cao và thích nghi tốt với môi trường ngay từ giai đoạn ương dưỡng. Thời gian qua Sở KH-CN Trà Vinh đã làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển" (Scylla paramamosain) tại tỉnh Trà Vinh. Đề tài do Trung tâm Giống nông nghiệp Trà Vinh (thuộc Sở NN-PTNT Trà Vinh) thực hiện.

Theo thạc sĩ Lê Chí Thọ, Trưởng Trại giống thủy sản Hiệp Mỹ (xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), chủ nhiệm đề tài cho biết: Xây dựng quy trình sản xuất giống cua biển tại tỉnh Trà Vinh đã đạt được kết quả khả quan. Hiện nay, sản xuất cua giống đã phổ biến đại trà trên thị trường.

Tuy nhiên, cái mới trong quy trình này là bổ sung thêm những khoáng chất, vitamin vào trong thức ăn. Theo dõi quá trình phát triển, đúng giai đoạn sang thưa cho hợp lý thì sẽ nâng được tỉ lệ sống. Quan trọng là tuyển chọn được giống cua cái thích nghi với điều kiện thời tiết tại địa phương. Cua bắt ngoài biển đem về nuôi sẽ có chất lượng và tỉ lệ sống cao.

Đến thời điểm này, đã bàn giao cho người dân nuôi được 450.000 con. Đề tài sản xuất của biển giống đã mở ra nhiều triển vọng cho người nuôi cua biển ở nước ta. Đến nay, đã cung cấp ra ngoài cho hộ nuôi trong mô hình trên 430.000 con cua giống. Dự kiến, số lượng cua biển giống trong giai đoạn dự án sẽ cung cấp khoảng 830.000 con.

"Trong thời gian tới, khi nhu cầu nuôi cua biển trong nông dân phát triển mạnh, ngoài nguồn cua biển giống cung cấp từ trại sản xuất, chúng tôi sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống để xã hội hóa công tác giống cua biển cho cộng đồng", thạc sĩ Thọ nói.

Người dân tham quan trại sản xuất giống cua biển ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.
Người dân tham quan trại sản xuất giống cua biển ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Anh Huỳnh Văn Sê (ấp 11, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) có gần 5ha diện tích vuông nuôi tôm - cua cho biết: Gia đình có hơn 10 năm nuôi cua biển. Trước đây, giống cua nuôi có nguồn gốc từ tự nhiên. Nuôi theo hình thức quảng canh, thả lan trong vuông tôm. Từ năm 2017 đến nay, cua biển được nuôi thâm canh, mỗi vụ thả khoảng 10 đến 13 ngàn con giống trên diện tích 2ha. Do nguồn cua giống thông qua các điểm bán lẻ nên tỷ lệ hao hụt nhiều.

Tìm hướng mở ra cho nghề nuôi cua biển, anh Sê chia sẻ: Nguồn cua biển giống được sản xuất tại địa phương có tính thuần cao sẽ tạo thuận lợi cho con cua thích nghi và phát triển tốt tại địa phương. Khi đó, người nuôi hạn chế được rủi ro do hao hụt ở giai đoạn đầu.

Nếu thành công về phương pháp sản xuất cua giống tại địa phương sẽ giải quyết được bài toán khó cho người nuôi cua. Vì nuôi cua thâm canh đòi hỏi lượng cua giống chất lượng cao và kích cỡ đồng đều. Qua đó, giúp người dân vùng ven biển phát triển mạnh nghề nuôi cua biển, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản.

Dự án trên đã thành công và tác động về tích cực về kinh tế xã hội và kể cả môi trường. Ngoài phát triển nghề sản xuất cua giống, kết quả của đề tài sẽ góp phần phát triển nghề nuôi cua của địa phương cũng như giúp người nuôi cua có được con giống tại chỗ với chất lượng tốt. Từ đó, thúc đẩy phong trào nuôi góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nghề nuôi cua trong quá trình sản xuất, ít sử dụng thuốc và hóa chất nên không làm ảnh hưởng đến môi trường.

(PGS.TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh)

(Theo Nông nghiệp VN)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục