Ngư dân Nguyễn Văn Thành (xã Nhân Trạch - huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), dọn lại tay lưới sau khi đã chuyển hết ruốc lên bờ. Ông dừng tay trò chuyện: “Được mùa ruốc cả tuần nay rồi. Thuyền chỉ ra cách bờ chưa đầy hải lý là có ruốc dày đặc. Đi từ cuối chiều hôm trước, đến rạng sáng thì về. Trung bình được khoảng tấn ruốc, bán được khoảng 12 triệu đồng. Trừ chi phí, còn lại lao động cũng được gần 3,5 triệu đồng/chuyến đi”.
Được mùa ruốc…
Rạng sáng, trên bờ biển xã Nhân Trạch (Bố Trạch) đã đông người, xe cộ đón thuyền đi vây ruốc về. Theo lão ngư dân Nguyễn Văn Lộc thì năm nay ruốc vào nhiều hơn và bà con có thu nhập khá hơn. Con ruốc (có nơi gọi là tép hoặc khuyếc) biển được chế biến thành ruốc (mắm tôm), chế biến thức ăn tươi hoặc phơi khô để dành. Cả tuần nay, ruốc vào gần bờ rất nhiều. Tranh thủ dịp này, ngư dân tăng cường khai thác nên có sản lượng lớn.
Xã Nhân Trạch có đội thuyền (bơ, nan có công suất dưới 30CV) khoảng 200 chiếc. Qua mỗi đêm, thuyền về cập bờ cũng được khoảng 150 tấn ruốc tươi.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành cho hay, các thuyền nhỏ có từ 2-4 lao động mang te vớt ruốc. Te là ngư cụ làm bằng 2 cây gỗ dài thành hình chữ V, có gắn lưới ở giữa. Khi phát hiện vùng ruốc đang di chuyển, mọi người hạ te xuống, tăng tốc thuyền đẩy te đi và ruốc lọt vào te. Khi te đầy thì dừng thuyền, nâng te lên cho ruốc vào bao rồi tiếp tục hạ te vớt ruốc. Mỗi lần thu te, được khoảng 30 - 50 kg ruốc. “Năm nay, ruốc về đông đặc hơn mọi năm và có thể kéo dài thêm khoảng chục hôm nữa”- ông Thành bảo.
Ngư dân các địa phương như Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) cũng tất bật với mùa ruốc trúng lớn. Vừa cập bến và giao việc mua bán cho vợ, ngư dân Ngô Văn Hải (xã Hải Ninh) lên bờ.
Ông chia sẻ: “Năm nay, ruốc xuất hiện với số lượng lớn trên diện rộng. Ruốc đẹp, sạch nên bán giá cao. Một đêm thuyền của tôi có 3 lao động, xúc được chừng 1 tấn ruốc và thu về hơn 10 triệu đồng”. Ông Hải cũng cho biết thêm, ngoài sản phẩm ruốc, ngư dân còn được thêm mực, cá trích, cá liệt... nên thu nhập càng khá hơn.
Mang thu nhập cao cho mọi người
Trại cảng cá Nhật Lệ, hàng chục thương lái chờ sẵn để mua những mẻ ruốc từ biển đi vào. Những mẻ ruốc tươi được mang đi chế biến làm mắm ruốc hoặc vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Chị Lê Thị Thủy, một tư thương cho biết, mấy hôm đầu, giá mua tại bến là 15 ngàn đồng/kg. Chị Thủy chia sẻ: “Chúng tôi mua và mang đi nơi khác cũng bán được giá từ 18-20 ngàn đồng/kg. Nếu thu mua và bán lại hết khoảng 1 tấn ruốc/ngày thì cũng có lãi 2-3 triệu đồng. Có thêm thu nhập nên cũng mừng lắm”.
Trên bến thuyền xã Nhân Trạch, chị Nguyễn Thị Thoại cùng con trai sơ chế ngay khi ruốc vừa mua về. Cậu con trai dùng máy thủ công ép ruốc cho chảy hết nước đến kiệt thì thôi. Bã ruốc được chị Thoại mang ra phơi trên mấy tấm bạt trải rộng. Nước cốt ruốc được cho vào bể phơi nắng.
“Khoảng 15 hôm sau, khi xác ruốc khô, tôi xay mịn và trọn đều với nước cốt ruốc. Tất cả cho vào chum sành và phơi nắng. Nếu được nắng thì khoảng 30 hôm sau là có ruốc mới để ăn rồi”- chị Thoại nói.
Cũng theo chị Thoại, chế biến ruốc cũng có thu nhập khá cao. Vụ ruốc này, chị dự kiến thu mua khoảng 5 tấn ruốc tươi để làm ruốc nhuyễn (mắm ruốc) thì chừng hơn một tháng sau đã có sản phẩm bán ra thị trường. “Bán hết ruốc nhuyễn cũng có thể thu về khoảng trăm triệu đồng, lãi khoảng 25 triệu đồng”- chị Thoại cho hay.
(Theo báo Quảng Bình)