Phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản

Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển ngành đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Riêng đối với khai thác thủy sản sẽ phát triển theo hướng bền vững, hiện đại; ưu tiên phát triển đội tàu khai thác xa bờ, giảm dần khai thác gần bờ để nâng cao năng suất, hiệu quả; gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Giảm đội tàu công suất nhỏ

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 9.800 tàu cá đăng ký. Trong đó, số tàu cá dưới 20CV hoạt động ven bờ chiếm hơn 55%, tàu có công suất từ 20CV - dưới 90CV hoạt động vùng lộng chiếm hơn 30%. Trong khi đó, đội tàu hoạt động ở vùng khơi chỉ có 1.365 chiếc có công suất hơn 400CV, chiếm 15%. Từ những con số thống kê này, có thể thấy đội tàu công suất nhỏ hiện đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu đội tàu khai thác của tỉnh, trong khi nguồn lợi ven bờ, vùng lộng ngày càng giảm.

Để giảm dần đội tàu công suất nhỏ, những năm qua, tỉnh đã có chủ trương khuyến khích phát triển đội tàu khai thác xa bờ, đặc biệt là các tàu có công suất lớn để thay thế dần đội tàu công suất nhỏ chỉ khai thác vùng lộng, vùng ven bờ. Ngoài ra, những năm trước, UBND tỉnh đã chủ trương không phát triển tàu cá có công suất dưới 50CV; hiện nay, chủ trương không đóng mới tàu cá công suất dưới 90CV trên địa bàn tỉnh đang được xem xét. Để giúp ngư dân có điều kiện đóng mới, hoán cải tàu cá công suất lớn, địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 17 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Tính đến hết tháng 6 năm nay, toàn tỉnh có 28 tàu (25 tàu đóng mới, 3 tàu cải hoán, nâng cấp) đã hạ thủy, đi vào hoạt động; hiện có 3 tàu đang tiếp tục được đóng mới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ nâng cấp hầm bảo quản trên tàu cá; các chuỗi liên kết trong khai thác tiêu thụ hải sản cũng được triển khai nhằm hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả khai thác cho đội tàu khai thác xa bờ.

Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Theo Quy hoạch Phát triển ngành Thủy sản tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, riêng đối với đội tàu khai thác của tỉnh sẽ giảm dần đội tàu công suất nhỏ. Đến năm 2020, đội tàu toàn tỉnh giảm còn 7.650 chiếc; trong đó, tàu xa bờ tăng lên 1.480 chiếc; đến năm 2025, đội tàu còn 7.050 chiếc, trong đó tàu xa bờ tăng lên 1.787 chiếc; đến năm 2035, đội tàu khai thác tiếp tục giảm còn 6.250 chiếc, trong đó tàu xa bờ tăng lên 2.120 chiếc. Đối với đội tàu cá xa bờ, sẽ chú trọng hiện đại hóa, gắn với khai thác có trách nhiệm, bền vững. Qua đó không chỉ nâng cao hiệu quả khai thác mà còn đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường”.

Khai thác gắn với bảo vệ

Trước đây, có một số tàu cá trong tỉnh vì lợi nhuận đã vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, tình trạng này đã không còn. Các quy định của cộng đồng quốc tế về bảo vệ các loài thủy sản cấm khai thác cũng được thực hiện triệt để. Thời gian qua, ngành Thủy sản tỉnh đã tích cực tuyên truyền đến tận tàu cá, chủ tàu thuyền về các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Việc kiểm soát nghề cá hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững; góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân. Các giải pháp để phát triển nghề cá gắn với bảo vệ nguồn lợi, kiểm soát nguồn gốc hiện đang được ngành Thủy sản tích cực triển khai.

Không chỉ vậy, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh còn định hướng việc sắp xếp, cơ cấu ngành nghề khai thác thủy sản một cách phù hợp, giảm dần và tiến tới xóa bỏ các nghề khai thác thiếu bền vững. Trước mắt, đến năm 2020, nghề lưới kéo chỉ còn 10% trong tổng số tàu thuyền khai thác, nghề lưới vây chiếm 5%, nghề lưới rê chiếm 35%, nghề câu chiếm 22%, còn lại là các nghề khác.

Đối với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước tự nhiên, ở những nơi có nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi cao như các vịnh: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh; các đầm: Thủy Triều, Nha Phu. Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng các khu bảo tồn biển Nam Yết, Bình Ba; phát triển khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, các khu bảo vệ biển đầm Nha Phu, Thủy Triều; chú trọng khôi phục môi trường sống của các loài thủy sản ở những vùng nước nội địa trên địa bàn. Đồng thời, nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ dựa vào cộng đồng…

(Theo báo Khánh Hòa)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục