Dù còn khá mới mẻ tại tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng mô hình nuôi ghẹ lột đang mang lại thành công cho người nuôi trồng thủy sản với thu nhập trăm triệu đồng mỗi mùa.
Anh Trần Sáu (45 tuổi, xã Phú Diên, huyện Phú Vang) trước đây mưu sinh bằng khai thác thủy sản trên phá Tam Giang. Anh cho biết công việc đánh bắt tôm cá rất vất vả lại ảnh hưởng đến các loại thủy sản về lâu dài. Sau khi UBND huyện có chủ trương sắp xếp lại nò sáo trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, anh Sáu quyết định chuyển đổi nghề đánh bắt sang nuôi ghẹ lột.
Năm 2011, sau thời gian học hỏi cách nuôi ghẹ lột ở tỉnh Phú Yên, anh Sáu trở về quê bắt tay nuôi thử nghiệm. Ban đầu vì nguồn vốn còn hạn hẹp, anh nuôi 5 lồng nhưng do chưa có kinh nghiệm nên ghẹ bị chết nhiều, thua lỗ nặng. Không nản chí anh tiếp tục tìm hiểu trên các phương tiện về mô hình này.
Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên các lồng ghẹ bắt đầu cho thu nhập khá, từ nguồn thu đó anh xoay sở vay mượn thêm để đầu tư mở rộng mô hình, đến nay anh Sáu đã có trong tay hơn 20 lồng nuôi. Anh Sáu nhẫm tính vào mùa thu hoạch toàn bộ lồng này có thể xuất hơn 50 kg ghẹ lột thương phẩm/ngày.
Anh Sáu cho biết thêm, để nuôi ghẹ cho năng suất cao thì phải chú ý quan sát những dấu hiệu thay đổi về màu sắc, kích cỡ để nhận biết được từng giai đoạn ghẹ phát triển, khi ghẹ sắp lột phải chuyển sang lồng riêng để xứ lý. Ghẹ vừa lột xong rất yếu nên phải cách ly tuyệt đối với những con giống khác. Dù chỉ một con lọt vào, lập tức đám ghẹ lột sẽ trở thành mồi ngon cho đồng loại. Khi ghẹ lột vỏ xong khoảng 15 phút thì vỏ cứng lại nên phải nhanh chóng đem đi sơ chế, ướp lạnh và đóng gói.
Ngoài ra một yếu tố vô cùng quan trọng nữa đó là nguồn nước, ghẹ là một loại giáp xác rất nhạy cảm với sự thay đổi từ những môi trường sống. Phải là nguồn nước tự nhiên có độ mặn từ 20 - 23 phần nghìn. Đây là nguồn nước lý tưởng cho ghẹ phát triển, mau lớn và nhanh lột. Việc vệ sinh lồng thực hiện định kỳ 2 - 3 ngày/lần; lặn xuống đáy lồng để kiểm tra, vứt bỏ các chất phế thải như thức ăn thừa, vỏ ghẹ. Thường xuyên treo túi vôi đầu lồng nuôi để tạo môi trường sạch cho khu vực nuôi.
Anh Sáu chia sẻ: “Trong những năm gần đây thị trường tiêu thụ ghẹ lột ổn định và mở rộng. Thịt ghẹ chắc, ngọt nên người dùng yêu thích và lựa chọn ngày càng nhiều. Mỗi lần bán đều có thương lái đến tận nơi mua hoặc đóng thùng chuyển vào cho các công ty chế biến thủy sản ở các tỉnh lân cận. Hiện có 2 - 3 công ty về tận đầm đặt mua ghẹ lột. Giá cũng tùy theo loại, loại đắt nhất có giá 230.000 đồng/kg, loại rẻ khoảng 80.000 đồng/kg. Bình quân thu hoach cho lãi gần 100 triệu đồng/mùa”, anh Sáu phấn khởi.
|
Mô hình nuôi ghẹ lột của anh Nghĩa (Ảnh: Nhung Trang) |
Hiện tại ở Phú Diên, ngoài anh Sáu ra còn thêm hai hộ gia đình nuôi ghẹ lột mang lại thu nhập khá cao. Trong đó, chàng trai trẻ Trần Nghĩa (26 tuổi, thôn Thanh Mỹ) đã bản lĩnh khởi nghiệp với mô hình nuôi rất mới mẻ này và khá thành công. Đến mùa thu hoạch các lồng nuôi của anh có thể xuất đến 30 - 40 kg ghẹ lột/ngày; bình quân thu nhập gần 80 triệu đồng mỗi vụ. Không dừng lại đó, Nghĩa còn tiếp tục phát triển mô hình và giúp đỡ nhân rộng cho người dân địa phương.
Nói về hiệu quả nuôi ghẹ lột, ông Hoàng Trọng Đoài - Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, đây là một trong những mô hình mới nhưng đã đem lại thành công nhất định. Mô hình không chỉ mang lại kinh tế trực tiếp cho người nuôi mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường.
|
(Theo NNVN)