Nuôi cá lồng bằng công nghệ mới hiệu quả kinh tế cao ở huyện Yên Bình

Phát huy lợi thế mặt nước hồ để nuôi trồng thủy sản, được hỗ trợ từ các chương trình, dự án của nhà nước, người dân các xã sống ven hồ Thác Bà bước đầu chuyển đổi phương thức sản xuất, từ đánh lưới, thả rọ tôm tự nhiên sang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng bè, nuôi thả cá trong eo ngách. Đây là hướng đi đúng trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định dân cư vùng dân tộc thiểu số ở huyện Yên Bình (Yên Bái).

Hồ Thác Bà là hồ nhân tạo lớn hình thành từ việc ngăn sông Chảy từ những năm 1970, do Liên Xô và Việt Nam hợp tác xây dựng với diện tích hơn 19.000 ha mặt nước, với 1.300 đảo lớn nhỏ. Hồ có độ sâu hơn 40 m, có các đảo cây xanh, nước sạch và ổn định, nên việc nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi cá lồng, nuôi trong eo ngách, đồng bào Cao Lan, Dao, Tày của huyện Yên Bình đã thu được hiệu quả kinh tế rõ nét.

Nằm cách đập thủy điện Thác Bà hơn 1km là 55 lồng cá của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái, chuyên nuôi cá thương phẩm, các lồng cá được đầu tư hiện đại, có đánh giá tác động môi trường, hàng năm xuất hàng trăm tấm cá nheo, trắm đen, lăng.. ra thị trường. Ngoài việc nuôi mô hình, trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào sinh sống ven hồ về giống, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nhằm nâng hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

Ông Đào Văn Minh, Quản lý trại cá Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái cho biết, công nghệ nuôi cá bằng lồng sắt tròn chắc chắn hơn nhiều và nuôi được ở vùng nước rộng, dù sóng gió vẫn an toàn cho đàn cá. So với lồng cũ thì diện tích lồng mới rộng hơn, nuôi được nhiều hơn, khai thác dễ, cá bơi vòng tròn quanh lồng, vận động tốt hơn lồng vuông nên thịt cá chắc và ngon hơn. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm đã xuất bán được 60-70 tấn cá gồm đủ loại cá diêu hồng, cá rô, trắm đen, cá chép, cá tầm.

Theo ông Minh, công nghệ nuôi tiên tiến, thể hiện ở thiết kế lồng nuôi, kết cấu lồng, độ bền và vững chắc của lồng, sự tiện lợi cho quá trình thao tác tới kỹ thuật chăm sóc, chọn giống... giúp cá nuôi lớn nhanh, sạch bệnh. Với quy trình nuôi này, cá thương phẩm tại hồ Thác Bà sẽ có chất lượng cao vượt trội so với cá nuôi ao, lồng bè trên sông, đặc biệt là không có mùi bùn.

Theo thống kê, toàn huyện Yên Bình có diện tích mặt nước hồ Thác Bà trên 15.000 ha và có trên 500 ha diện tích ao hồ nhỏ, đập thủy lợi để nuôi cá; sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 đạt trên 4.550 tấn, tăng 2.850 tấn so với năm 2011. Trong đó: Sản lượng đánh bắt cá tự nhiên 2.105 tấn, sản lượng nuôi cá ao hồ nhỏ 789 tấn, sản lượng nuôi cá eo ngách 706 tấn, sản lượng nuôi cá lồng 900 tấn và 1.000 tấn tôm. Năm 2018, huyện có trên 1.323 lồng, tăng 914 lồng so với năm 2011 và đã hỗ trợ 234,8 ha quây lưới nuôi cá trên eo ngách hồ Thác Bà cho các hộ dân.

Bà Phùng Thúy Hồng, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, từ khi áp dụng khoa học công nghệ để nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà bằng việc đóng mới lồng nuôi cá đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, trung bình mỗi hộ dân sau một chu kỳ nuôi cá từ 10-12 tháng có thể thu lãi từ 25-30 triệu đồng/lồng, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, nhằm tăng cường ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong những năm gần đây huyện đã thực hiện 3 đề tài dự án phát triển thủy sản, gồm: Dự án Áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà và Dự án Nhân rộng mô hình nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà huyện Yên Bình; Dự án Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên ngách hồ Thác Bà. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn ven hồ thành lập 5 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà và tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng thủy sản, bước đầu đã phát huy tốt hiệu quả.

Ngoài ra, huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt từ năm 2016, áp dụng nuôi lồng bằng lưới khung sắt kiên cố có thể tích trên 100m3, dễ chăm sóc, sản lượng cá đạt từ 2,5 - 3 tấn/lồng/năm, mỗi lồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho trên 130 hộ gia đình. Bên cạnh đó, có 40 hộ nuôi cá quây lưới với diện tích từ 1 - 8 ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm cao hơn 1,5 lần so với nuôi cá trong ao, hồ nhỏ.

Bên cạnh việc chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trông thủy sản trên hồ Thác Bà, Huyện Yên Bình đang đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp chủ trì dự án phát triển thủy sản hồ Thác Bà liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm để đầu tư sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo sản lượng, chất lượng cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm cá, tôm hồ Thác Bà để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.

Huyện cũng đang xây dựng kế hoạch xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” và đăng ký truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm cá của hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Trong đó lựa chọn 7 loài cá chủ lực gồm: cá rô phi vằn, cá điêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép, cá ngạnh, cá nheo Mỹ, để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Tiến tới xây dựng thương hiệu cá sạch Thác Bà đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Qua việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay trên địa bàn huyện Yên Bình có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và trên 170 hộ dân tham gia nuôi cá trên hồ Thác Bà, hàng năm tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động nông thôn. Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự cần cù chịu khó trong sản xuất, sớm áp dụng tiến bộ khoa học vào nuôi trồng thủy sản, các hộ dân nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

(Theo báo Ảnh DT&MN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục