Ngoài 3.700 tàu cá có công suất lớn từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt khơi xa, tỉnh Bình Định còn có khoảng 2.500 tàu cá khác chuyên đánh bắt từ vùng lộng trở vào ven bờ. Trong khi đó, nguồn lợi thủy ven ở vùng lộng và ven bờ ngày càng cạn kiệt.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS), cũng là để đảm bảo sinh kế cho ngư dân, ngành thủy sản Bình Định đã nỗ lực tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt các quy định về đánh bắt cá đúng kích cỡ, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn những hình thức đánh bắt theo kiểu tận diệt.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, nhiều năm qua, ngành thủy sản Bình Định đã quan tâm đến công tác tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt được những quy định trong đánh bắt thủy sản và kỹ thuật đánh bắt vừa mang lại hiệu quả vừa bảo vệ được NLTS.
Thông qua các chương trình tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chương trình đào tạo nghề của Sở LĐ-TB&XH, chương trình tập huấn và các lớp đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng của ngành thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định lồng ghép vào đó những nội dung về kỹ thuật khai thác các nghề phổ biến ngư dân đang hoạt động như: Nghề lưới vây, nghề câu cá ngừ đại dương. Thông qua đó, ngư dân nắm bắt được các quy định về kích cỡ mắt lưới theo quy định, khai thác đúng mùa vụ và kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
“Từ năm 2008 - 2009, ngành thủy sản Bình Định cũng đã có đề tài nghiên cứu và đã chuyển giao cho ngư dân về cải tiến mắt lưới cho nghề lưới vây, để vừa phù hợp với thực tế đánh bắt mang lại hiệu quả cao, vừa bảo vệ được NLTS”, ông Nguyễn Công Bình cho biết.
Bên cạnh đó, Bình Định còn nỗ lực trong công tác ngăn chặn những hình thức khai thác gần bờ theo kiểu tận diệt. Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tại 32 xã, phường ven đầm, ven biển vẫn còn 98 phương tiện xung điện, xiết máy; 95 phương tiện xung điện cầm tay; 793 hộ sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản; 15 máy bơm hút nhuyễn thể… hoạt động ngày đêm trên đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), Đề Gi (huyện Phù Cát) và Thị Nại (TP Quy Nhơn). Ngoài ra, ở một số xã, phường ven biển vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác thủy sản bằng chất nổ.
Thanh tra Chi cục Thủy sản Bình Định tuần tra ngăn chặn các nghề đánh bắt thủy sản gần bờ theo kiểu tận diệt
Theo ông Trần Kim Dương, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, để tiếp sức cho ngành chức năng trong công tác ngăn chặn nạn sử dụng xung điện, xiếc máy, chất nổ đánh bắt thủy sản, trong thời gian qua , tỉnh đã thành lập được 20 mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS. Chi cục Thủy sản hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 8 mô hình; Dự án CRSD hỗ trợ hoạt động 12 mô hình. Trong đó, có nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả như ở các xã: Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), Nhơn Hải, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).
Mối lo ngại lớn nhất là trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nạn sử dụng vật liệu nổ đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt, tập trung tại các hòn rạng ven biển các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ).
“Do những đối tượng sử dụng chất nổ đánh bắt thủy sản di chuyển liên tục, nên ngành chức năng phải thật nỗ lực, tổ chức tuần tra thường xuyên mới có thể ngăn chặn được những đối tượng làm nghề này”, ông Dương bộc bạch.
|
(Theo NNVN)