Nhiều giải pháp ổn định đầu ra cho hải sản ở Vân Đồn

Huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có gần 160.000ha mặt nước biển, nhiều đảo đất đá xen kẽ tạo thành những vụng, áng ít chịu ảnh hưởng của gió bão, rất thích hợp với nuôi hải sản, như: ngao hoa, hàu Thái Bình Dương, cá song, cá giò... Những năm qua, nghề nuôi thủy sản đã đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho người dân, khi mà việc làm ăn gặp thuận lợi.

Hiện trên địa bàn huyện có trên 3.300ha nuôi thủy sản, với 1.250 hộ, doanh nghiệp tham gia. Trong đó phần lớn diện tích nuôi là các loài nhuyễn thể như hàu, ngao tập trung nhiều tại các xã Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng. Việc nuôi của các hộ trong toàn huyện nếu gặp thời tiết thuận lợi và không bị dịch bệnh thì có thể đạt tới 36.800 tấn/năm. Vào mùa vụ, sản lượng thu hoạch và tiêu thụ của ngư dân huyện mỗi ngày sẽ đạt khoảng 35-40 tấn ngao, 65-70 tấn hàu. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thu hoạch và tiêu thụ của ngư dân đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nhiều giải pháp ổn định đầu ra cho hải sản ở Vân Đồn
Sơ chế hàu tại HTX Nuôi trồng và chế biến hải sản Vân Đồn.

Chúng tôi đến tìm hiểu tại xã Ngọc Vừng, nơi có 160 hộ nuôi nhuyễn thể trên diện tích hơn 100ha. Hàng năm, các hộ nuôi ở Ngọc Vừng thu được khoảng 1.800 tấn nhuyễn thể. Bà Trần Thị Đào, có diện tích nuôi 4ha ở thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng. Bà Đào là người nuôi nhuyễn thể giỏi của xã. Bà Đào có nhiều mối quan hệ nên việc tiêu thụ tốt hơn các hộ khác, nhưng vào những năm dịch bệnh thì thu được vốn về là tốt rồi. Bà Đào bảo: “Cũng may nhà tôi không phải vay lãi ngân hàng, còn nhiều người “nhà cửa” đang nằm cả dưới bãi, vì sổ đỏ trong ngân hàng rồi”.

Trước khó khăn của người nuôi nhuyễn thể, huyện Vân Đồn đã báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, để đề xuất giải pháp tiêu thụ nhuyễn thể cho người dân Vân Đồn trong thời kỳ dịch Covid-19. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã vào cuộc, tham gia ủng hộ tiêu thụ nhuyễn thể cho người nuôi trồng ở Vân Đồn, tích cực nhất là các đơn vị ngành than, nhưng xem ra đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời chống cháy khi mùa dịch.

Nhiều Công ty đã chế biến tạo các mặt hàng đa dạng các sản phẩm từ hàu giúp tiếp cận lâu bền hơn với người tiêu dùng. Như Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh, đơn vị tiên phong đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm chế biến từ hàu thành các sản phẩm OCOP và có giá trị thương mại cao như: Ruốc hàu, nem hàu, bánh quy hương vị hàu... Đơn vị đã mở cơ sở sản xuất trên diện tích 400ha tại xã Đông Xá. Với hướng sản xuất này, sản phẩm hàu bảo quản được lâu, dễ dàng vận chuyển đi xa giá bán gấp 3 - 4 lần so với giá hàu nguyên liệu.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM) đã thực hiện giải pháp tách vỏ hàu, đóng túi xuất bán trong các siêu thị uy tín như: BigC, A-one. Công ty còn cho ra các sản phẩm công nghệ kết hợp với phương pháp truyền thống như: Ruốc hàu, chả hàu, hàu kho niêu đất, hàu tẩm bột, mắm hàu... Tuy nhiên sản lượng tiêu thụ của 2 doanh nghiệp này cũng chỉ đạt từ 400 – 500 tấn hàu nguyên liệu/năm, chiếm một số lượng nhỏ hàu của huyện. Hơn nữa, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành thì việc bán các sản phẩm cũng rất khó.

Theo các hộ nuôi hàu thì thị trường lớn nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19, thì thị trường này bị hạn chế rất nhiều.

HTX Nuôi trồng và chế biến hải sản Vân Đồn do tìm được thị trường ổn định tại Đài loan nên đã tiêu thụ sản lượng hàu cho hàng trăm hộ nuôi tại Vân Đồn
HTX Nuôi trồng và chế biến hải sản Vân Đồn do tìm được thị trường ổn định tại Đài Loan nên đã tiêu thụ sản lượng hàu cho hàng trăm hộ nuôi tại Vân Đồn.

HTX Nuôi trồng và chế biến hải sản Vân Đồn, có trụ sở tại xã Đông Xá, đã tìm được hướng đi ổn định xuất khẩu hàu sang thị trường Đài Loan. Tuy HTX mới thành lập từ tháng 5/2020 nhưng theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Lan Anh, mỗi ngày HTX cũng đã tiêu thụ khoảng 6 tấn hàu cho người nuôi. Nếu việc làm ăn thuận lợi sẽ tiêu thụ được khoảng 1.500 tấn hàu/năm, tạo đầu ra thuận lợi cho ngư dân.

Tuy nhiên, theo bà Lan Anh, thị trường Đài Loan rất tiềm năng nhưng họ rất khó tính và rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX mới đi vào hoạt động nên phải mất nhiều vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc để đáp ứng yêu cầu phía đối tác, nên rất khó khăn về vốn và rất cần được vay vốn với lãi suất phù hợp để thuận lợi trong việc kinh doanh.

Như thế, để ổn định được sản xuất cho người nuôi trồng trên địa bàn Vân Đồn buộc các doanh nghiệp giữ vai trò tiêu thụ cần phải năng động, không chỉ gỡ khó cho ngư dân mà gỡ khó cho chính họ.

(Theo báo Quảng Ninh)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục