Ngư dân miền Trung trúng đậm “lộc biển”

Không khí rộn ràng, nhộn nhịp ở các làng chài miền Trung sau Tết Kỷ Hợi chẳng khác ngày hội.

Ngư dân đánh bắt xuyên tết trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa trở về đất liền với những khoang thuyền đầy ắp hải sản đắt tiền, cũng là lúc ngư dân sử dụng tàu thuyền công suất nhỏ í ới gọi nhau vượt sóng, kịp bắt những mẻ cá cơm, cá khoai, ruốc biển ăn theo từng luồng ven bờ… 

Trúng đậm cá cơm, ruốc

Rạng sáng mùng 2 Tết, hàng chục thuyền công suất dưới 30CV của bà con ngư dân xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế vội vã ra khơi đánh bắt cá tôm với ước mong cả năm Kỷ Hợi thuận buồm xuôi gió. Thật may mắn khi ngư dân chỉ vươn khơi khoảng 2 hải lý đã bắt gặp luồng cá khoai. Lão ngư Phan Định, xã Phú Diên, phấn khởi nói, chuyến biển đầu năm thường bà con ngư dân vươn khơi chừng 1 - 2 giờ, đánh bắt lấy một ít cá tôm, cốt để lấy hên. Nhưng đầu xuân năm nay, cá khoai nhiều nên cứ khi nào thuyền đầy cá thì các thuyền mới tranh thủ vào bờ để cân bán, rồi tiếp tục ra khơi chuyến đánh bắt mới. “Cá khoai là đặc sản được nhiều người ưa chuộng vì có thể làm lẩu, nấu canh hoặc kho mặn nên tư thương mua ngay tại bến với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, chuyến biển đầu tiên, mỗi thuyền với 3-4 lao động đã lãi ròng bình quân từ 3 - 4 triệu đồng, nhiều thuyền trúng đậm thu về gần 10 triệu đồng/chuyến. Những chuyến đầu năm mà trúng như thế này thì cả năm không chỉ làm ăn no đủ mà còn giúp bà con có tiền tiêu, sắm tết cho gia đình cũng như đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, sửa sang tàu thuyền để kiên trì bám biển”, ông Phan Định kỳ vọng.

Từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh, bà con ngư dân các tỉnh cũng rất phấn khởi vì liên tục trúng đậm mùa ruốc biển và nhiều tôm, cá, ghẹ, mực, ốc các loại bán được giá khá cao. Ngư dân Nguyễn Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cùng người nhà khiêng từng thúng ruốc trĩu nặng lên bờ, chia sẻ, ruốc về bờ sớm nên từ 25 tháng Chạp bà con đã trúng đậm và đánh bắt xuyên tết. Ruốc nằm cách bờ khoảng chừng 2-3 hải lý, nhưng các tàu đánh bắt phải đi từ sáng sớm để tìm luồng ruốc. Phần lớn chỉ dựa vào kinh nghiệm để xác định vùng biển nào có ruốc nhiều và hướng đi để đón đầu đánh bắt. Mỗi chuyến ra khơi, các tàu có thể đánh bắt được nhiều mẻ ruốc. Trung bình mỗi chuyến ra khơi mỗi tàu đánh bắt được 3-5 tạ, nhiều tàu trúng cả tấn ruốc nên có tàu thu hàng triệu đồng/chuyến/ngày và mỗi ngư dân kiếm được ít nhất từ 1 - 1,2 triệu đồng/ngày.

Tại các vùng biển thuộc thị trấn Khánh Hải và Thanh Hải (cùng huyện Ninh Hải), 2 xã Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam), phường Đông Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm) của tỉnh Ninh Thuận, ngay từ sáng 8-2 (mùng 4 Tết), hàng ngàn ngư dân liên tục cập bờ với những khoang thuyền đầy ắp cá cơm. Những chiếc tàu công suất vừa, khoảng 50 - 70CV, sau một ngày đêm đánh bắt, khi cập cảng đã có đến 3,5-4 tấn cá/tàu. Thương lái thu mua cá cơm ngay tại cảng với giá xấp xỉ 20.000 đồng/kg, mỗi tàu thu lãi ròng ít nhất 50 triệu đồng/chuyến biển.

Khi tàu đánh bắt xuyên tết trở về 

Những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ tại 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên đều chọn ăn tết ngay trên vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa, để đón “lộc biển”. Nhiều tàu câu cá bò gù (cá ngừ đại dương) chuẩn bị lương thực, thực phẩm, bánh trái, hoa, bia, nước ngọt… vươn khơi xa từ trung tuần tháng Chạp. Ngư dân nơi đây quan niệm với họ biển cũng là nhà nên ngày tết cũng phải ra khơi để đón lộc đầu năm. Những con tàu đón, bắt lộc biển đầu tiên sẽ gặp nhiều may mắn trong năm tới. Ngoài ra, giá hải sản trong những ngày tết lên cao hơn so với ngày thường. Những con tàu câu cá bò gù xuyên tết có khi trở về bến cá đúng ngày mùng 4 Tết để bán cá tươi với giá khá cao nên vô cùng phấn khởi. 

Tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên) vào sáng mùng 4 Tết, hơn 20 tàu cá trở về bến sau nhiều ngày xuyên tết bám biển. Bình quân mỗi tàu câu được 25-40 con cá bò gù (khoảng 1,2-2 tấn). Nhiều tàu cá khác còn mang về các loại hải sản khác như cá thu, cá cờ, mực… Các chủ tàu cho biết, so với Tết Nguyên đán năm 2018, tết năm nay trúng hơn nhiều, giá cá cũng lên cao hơn từ 120.000 - 150.000/kg. “Tàu cá của tôi xuất bến từ 16 tháng Chạp. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước ngọt, bánh trái, nhiều thùng bia để ra khơi ăn tết trên biển luôn. Dịp tết thường giá cá bò gù tăng cao, hải sản khan hiếm nên làm ăn trúng hơn ngày thường. Với lại dân biển quan niệm, những tàu đầu tiên hái được lộc biển đầu năm thì năm đó sẽ thuận buồm xuôi gió. Rất may, chuyến biển này tôi trúng một luồng cá ngừ vây vàng 30 con (1,5 tấn - PV). Chuyến biển này, tàu chúng tôi cũng kiếm được kha khá về ăn tết muộn với vợ con, đến mùng 8 sẽ ra khơi tiếp…”, anh Nguyễn Bin (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) phấn khởi nói. 

Theo các đơn vị chức năng, sau mùng 4 Tết, dự kiến các cảng cá như Đông Tác, Phú Lạc (Phú Yên) tiếp tục đón gần 70 tàu câu cá bò gù, với trên 400 lao động xuyên tết trở về bến để bán hải sản. Ngư dân Trần Mênh (53 tuổi, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết thêm: “Những ngày sát Tết Nguyên đán, tàu của ông đã trúng đậm mẻ cá bò gù trên 40 con (2 tấn), thu về gần 300 triệu đồng. Vụ tết năm nay chính vụ cá ngừ nên nhiều ngư dân tại Bình Định, Phú Yên trúng đậm trong những ngày trước, sau và trong tết. Việc ra biển và ăn tết ngay trên biển là thói quen, chuyện thường của ngư dân Bình Định rồi. Rất nhiều bạn thuyền đều ăn tết trên biển nên anh em động viên nhau cố gắng bám trụ”.

(Theo SGGP)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục