Những năm gần đây, người dân tại các xã Tân Hải, Phương Hải, Hộ Hải, Tri Hải và thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) áp dụng những tiến bộ khoa học vào nuôi, trồng thủy sản tại khu vực Đầm Nại cho hiệu quả kinh tế khá cao. Với hệ sinh thái đa dạng và nguồn lợi thủy sản phong phú, Đầm Nại đã và đang đảm bảo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ dân quanh vùng.
Đầm Nại có diện tích gần 1.200ha, với những cánh rừng ngập mặn tự nhiên được đánh giá là nơi có hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng. Đầm Nại được ví như “lá phổi” và vành đai xanh góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phòng chống và giảm thiểu thiên tai. Nơi đây, còn được biết đến là vùng nuôi trồng thủy sản với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: Tôm, cá mú, ốc hương và đặc biệt là hàu Thái Bình Dương.
Theo các hộ dân, nghề nuôi hàu có từ lâu đời với người dân ven bờ Đầm Nại, nhưng do nuôi tự phát, con giống phụ thuộc vào khai thác trong tự nhiên, nên hiệu quả không cao và thiếu bền vững. Gần 10 năm trở lại đây, nhờ được Trung tâm Giống hải sản cấp I tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuyển giao giống hàu Thái Bình Dương cho bà con nuôi, đời sống của người dân đã dần khởi sắc. Hàu Thái Bình Dương có tốc độ sinh trưởng nhanh, hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường ưu chuộng với mức giá dao động từ 25-30 ngàn đồng/kg đã mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, góp phần đa dạng đối tượng nuôi và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ông Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Phương Cựu, xã Phương Hải, cho biết: Trước đây nuôi tôm nhưng do môi trường bị ô nhiễm, hiệu quả không cao. Những năm gần đây, tôi chuyển sang nuôi hàu giống, với khả năng sinh trưởng và thích nghi tốt, nên cho thu nhập khá.
Khu vực Đầm Nại có gần 200 lồng bè nuôi hàu, rải đều từ cầu Tri Thủy đến Hòn Thiên của xã Hộ Hải. Bà con thu hoạch vận chuyển về tập kết ở dưới chân cầu Tri Thủy, sơ chế, phận loại bán cho thương lái. Chị Nguyễn Thị Lan, xã Tri Hải, cho biết: Hằng ngày tôi nhận làm sạch vỏ hàu từ các chủ bè nuôi hàu để giao cho thương lái, tiền công từ 180- 200 ngàn/ngày, đủ trang trãi cho gia đình. Một số hộ làm nghề xâu chuỗi vỏ hàu cũng cho thu nhập khá. Vỏ hàu sau khi được vệ sinh đem phơi nắng rồi xâu thành chuỗi, chủ lồng bè thu mua với mức giá 33 ngàn đồng/chuỗi. Anh Trần Thanh Dũng, xã Tri Hải, cho biết: Gia đình anh hiện có 4 người, mỗi ngày làm được từ 10-15 chuỗi vỏ hàu, thu nhập cơ bản đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Có thể nói, mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương mang lại hiệu quả cao, tạo sinh kế bền vững cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc trưng của Đầm Nại.
(Theo báo Ninh Thuận)